1. Kết hợp quy hoạch đầu tư KCN với quy hoạch đầu tư đô thị, Khu dân cư và các dịch vụ khác.
Khi phê duyệt dự án quy hoạch KCN cần xem xét nhiều mặt như: Quy hoạch diện tích đất đủ để xây dựng cơ sở hạ tầng, khu nhà ở cho người lao động, quy hoạch hệ thống xử lý nước thải, rác thải và các dịch vụ khác kèm theo để phục vụ KCN. Quy hoạch khu đô thị, khu dân cư, khu du lịch… không nhất thiết đi liền với từng KCN, mà có thể liên kết phục vụ cho nhiều KCN trên cùng một địa bàn hoặc mở rộng ra ngoài phạm vi một huyện. Để thực hiện được giải pháp này phải thu hút được nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng có đủ tiềm lực tài chính, có khả năng xây dựng hạ tầng đồng bộ (kể cả trong và ngoài hàng rào KCN).
Xây dựng cảng thông quan nội địa (ICD) để tạo điều kiện hơn nữa cho những doanh nghiệp XNK trong và ngoài KCN.
Xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các KCN và hạ tầng xã hội ngoài hàng rào khu công nghiệp; khắc phục tình trạng xây dựng hạ tầng theo hình thức cuốn chiếu. Đặc biệt chú ý đến việc đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội ngoài hàng rào KCN (như: nhà ở của công nhân, trường học, bệnh viện, khu vui chơi) vừa đáp ứng phục vụ nhu cầu cho người lao động trong khu công nghiệp, vừa tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho những người bị thu hồi đất mà không đủ điều kiện lao động trong các KCN.
2. Nâng cao chất lượng và hiệu quả của dự án đầu tư.
Nâng câo chất lượng các dự án thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khuyến khích thu hút các dự án đầu tư có vốn lớn, có công nghệ cao, nguy cơ ô nhiễm môi trường thấp, đó là định hướng tất yếu nhằm đảm bảo xây dựng và phát triển KCN theo hướng bền vững.
3. Xây dựng đồng bộ các biện pháp bảo vệ môi trường.
Chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch các KCN, tăng tỷ lệ diện tích cây xanh và các dịch vụ công. Từng doanh nghiệp phải có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra hệ thống chung. Mỗi KCN phải có nhà máy xử lý nước thải và được đầu tư xây dựng cùng một lúc với việc xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp.
4. Chú trọng công tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực.
Phát triển mạng lưới đào tạo ngắn hạn, nâng cao trình độ tay nghề cho lực lượng lao động tại chỗ, các trường dạy nghề, tạo ra đội ngũ lao động có tay nghề đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp. Xây dựng hệ thống các trường đào tạo từ đào tạo nghề đến đại học nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.
Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hoá đào tạo nghề, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, mở rộng hình thức đào tạo nghề và huy động sự tham gia của mọi thành phần kinh tế. Kết hợp các chương trình mục tiêu quốc gia; xoá đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm … để tập trung vốn cho đào tạo nghề, mở rộng số lượng, nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Chú trọng đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.
5. Đa dạng hoá các hình thức đầu tư xây dựng hạ tầng KCN.
Cần đa dạng hoá các hình thức đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, kết hợp giữa đầu tư hạ tầng bằng nguồn vốn ngân sách với vốn doanh nghiệp. Đẩy mạnh việc giao cho doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN; chú trọng lựa chọn những nhà đầu tư hạ tầng KCN có tiềm lực về vốn, có kinh nghiệm trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và kêu gọi, thu hút đầu tư. Đẩy mạnh và khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng xây dựng sẵn nhà xưởng để doanh nghiệp thứ cấp thuê lại.