Trong những năm qua, cùng với việc thực hiện chính sách thông thoáng về môi trường đầu tư, xúc tiến đầu tư để thu hút các nhà đầu tư lớn ở trong và ngoài nước đến đầu tư tại tỉnh, Hà Nam thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính ở các cấp, luôn quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Nhờ đó, chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2013 của tỉnh tăng 26 bậc so với năm 2012, xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố. Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh được tập trung đầu tư kỹ thuật hạ tầng đồng bộ, gồm hệ thống chiếu sáng, giao thông, trạm cấp nước, hệ thống thoát nước, trạm xử lý nước thải... với các ngành sản xuất có tính động lực như điện tử, dệt may, cơ khí với kỹ thuật tiên tiến, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có 474 dự án đầu tư còn hiệu lực, với 124 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của hầu hết các tập đoàn và công ty lớn đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… trong đó có nhiều tập đoàn danh tiếng trên thế giới như Honda, Sumi, Sumsung, Finetek… với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.044,3 triệu USD tập trung ở các lĩnh vực công nghiệp điện tử, chế biến thức ăn chăn nuôi, sản xuất xe gắn máy, nước giải khát. Riêng trong năm 2014, tỉnh Hà Nam đã làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 50 dự án đầu tư mới trong đó có 30 dự án FDI và đứng trong top 10 toàn quốc về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Thu hút đầu tư đã tác động trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong năm, tổng sản phẩm trong tỉnh đạt trên 8.646 tỷ đồng, tăng 13,15% so với năm 2013 là mức tăng trưởng cao nhất trong 03 năm gần đây. GDP bình quân đầu người ước đạt 35,77 triệu đồng, tăng 19,2% so với kế hoạch. Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp, thủy sản 14,47%, công nghiệp - xây dựng 54,68%, dịch vụ 30,85%. Các doanh nghiệp FDI đã đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Riêng năm 2014, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 780,6 triệu USD, bằng 111,5% kế hoạch năm và tăng 33,9% so với năm 2013.
Thời gian tới, Hà Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cao, sáng tạo, doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào sản xuất các sản phẩm cơ khí chế tạo, lắp ráp, điện, điện tử, sản phẩm công nghệ cao, thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng. Dự kiến trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020, giá trị sản xuất (giá so sánh năm 2010) của các doanh nghiệp FDI đạt 85,1 tỷ đồng/ha/năm, doanh nghiệp trong nước đạt 54,8 tỷ đồng/ha/năm. Để đạt được mục tiêu trên tỉnh đang có những định hướng mang tính chiến lược với các chương trình và đề án cụ thể, thiết thực như: nguồn đất sạch để sẵn sàng thu hút đầu tư; đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ở tất cả các cấp gắn với công khai, minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo hướng thông thoáng, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh; duy trì và thực hiện nghiêm 10 cam kết của tỉnh với các nhà đầu tư… nhằm khai thác lợi thế, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu tăng tốc đối với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, tạo vị thế và tiền đề vững chắc cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020.
Với sự quyết liệt và giải pháp đồng bộ, cùng cam kết sẽ luôn đồng hành cùng với nhà đầu tư, tích cực hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư từng bước hoàn thành ý tưởng, tìm kiếm cơ hội đầu tư đến việc hỗ trợ xây dựng dự án, triển khai dự án một cách nhanh chóng, đồng thời, giải quyết kịp thời các yêu cầu của doanh nghiệp và nhà đầu tư chắc chắn thời gian tới Hà Nam sẽ thu hút và là điểm đến của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư tại tỉnh./.