Những năm qua, các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh đã không ngừng được mở rộng về quy mô, số lượng doanh nghiệp trong KCN ngày càng tăng và hoạt động hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của các ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn KCN đều vượt cao so với mục tiêu nghị quyết đề ra.
Sản xuất hạt nhựa xuất khẩu tại Công ty cổ phần nhựa châu Âu (KCN Đồng Văn).
Hiện nay, trong các KCN ở Hà Nam, số lượng doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực hỗ trợ, chế biến, chế tạo ngày càng nhiều và khẳng định hiệu quả hoạt động. Trong gần 200 dự án đã thu hút được giai đoạn 2016 - 2019, số dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chiếm 22,3%; lĩnh vực công nghiệp chế tạo, lắp ráp 21,1% và số dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chiếm 46,3%. Sản phẩm thuộc các lĩnh vực này khá đa dạng như: Điện tử, viễn thông, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo và các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm chế biến (thịt lợn)…
Tại Công ty TNHH Ohtsuka Sangyo Material Việt Nam chuyên sản xuất, gia công, lắp ráp tấm lót ghế và vỏ ghế ô tô, sau hai năm hoạt động đã vượt công suất giai đoạn 1, đạt 7 triệu sản phẩm (công suất ban đầu 6 triệu sản phẩm/năm), góp phần làm tăng giá trị xuất khẩu và phát triển kinh tế của địa phương. Trong năm 2020, công ty phấn đấu nâng công suất lên 10 triệu sản phẩm.
Ông Trần Văn Kiên, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Tập đoàn Ohtsuka Sangyo Material có thị phần chiếm 70% tại Nhật Bản và có lịch sử hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ công nghiệp ô tô hơn 300 năm. Việc một tập đoàn lớn của Nhật Bản chọn Hà Nam để đầu tư cho thấy chủ trương của tỉnh xây dựng riêng KCN hỗ trợ Đồng Văn III để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ là hết sức đúng đắn và đến nay đã phát huy hiệu quả, ngày càng phát triển. Hiện KCN hỗ trợ Đồng Văn III đã cơ bản được lấp đầy giai đoạn 1, đạt mục tiêu nghị quyết đề ra, cho thấy quyết tâm và sự năng động trong đổi mới định hướng thu hút đầu tư của tỉnh.
Còn tại Công ty TNHH đồng kỹ thuật Korea Việt Nam (KCN Đồng Văn II) chuyên sản xuất dây đồng điện tử, dây đồng kỹ thuật, có sản phẩm không những được tin dùng ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang thị trường Malaixia (chiếm 30%) và là sản phẩm có uy tín phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp chế xuất trong nước. Có chiến lược kinh doanh tốt cộng với được quan tâm tháo gỡ kịp thời khó khăn phát sinh trong quá trình sản xuất, trong năm 2019, công ty nhanh chóng tăng công suất lên gấp hơn hai lần so với trước.
Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Công ty TNHH đồng kỹ thuật Korea Việt Nam cho biết: Sản phẩm dây đồng điện tử, dây đồng kỹ thuật của công ty khá nổi tiếng và được các doanh nghiệp sản xuất máy bơm, quạt điện, máy biến thế, động cơ trong nước tin dùng. Từ cuối năm 2018, công ty tập trung cải tạo, nâng cấp trang thiết bị sản xuất nên sản lượng sản xuất năm 2019 tăng mạnh, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng sản phẩm của cả khách hàng trong và ngoài nước.
Đối với công nghiệp chế biến, điển hình là tỉnh đã thu hút được Dự án tổ hợp chế biến thịt của Tập đoàn Masan tại KCN Đồng Văn IV, có công suất chế biến khoảng 1,4 triệu con lợn/năm, tương đương 140.000 tấn/năm. Áp dụng công nghệ sản xuất từ Đan Mạch và tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm được đánh giá bởi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ. Dự án được kỳ vọng thúc đẩy ngành chăn nuôi lợn của tỉnh phát triển.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để bảo đảm nguồn nguyên liệu chế biến của Tập đoàn Masan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu với tỉnh xây dựng vùng chăn nuôi lợn an toàn và liên kết chặt chẽ với Masan. Sự liên kết sẽ bảo đảm giá cả, thị trường ổn định, góp phần thúc đẩy chăn nuôi lợn phát triển theo hướng bền vững.
Nhờ đẩy mạnh thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo đã nâng tầm phát triển và giá trị sản xuất công nghiệp trong các KCN tăng nhanh qua các năm. Giai đoạn 2016-2019, giá trị sản xuất công nghiệp trong các KCN tăng bình quân trên 30%/năm. Đáng chú ý chỉ đến năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp trong các KCN đã vượt mục tiêu của nghị quyết, chiếm 78,6% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (mục tiêu nghị quyết đến năm 2020 chiếm 74%).
Hiện nay, hạ tầng các KCN tiếp tục được xây dựng hoàn thiện, chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất để thu hút đầu tư. Cùng với đó các dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp ngày càng được nâng cao (hệ thống điện, viễn thông, nước sạch...) và một số dịch vụ đang được triển khai đầu tư tạo thuận lợi cho phát triển của doanh nghiệp như cảng ICD, nhà ở công nhân… Đây là những thuận lợi lớn để các KCN tiếp tục tăng nhanh số lượng doanh nghiệp và giá trị công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo trong những năm tới.
Trên cơ sở Nghị quyết số 04, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành hai Đề án: “Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các KCN giai đoạn 2017-2020” và “Nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ doanh nghiệp KCN giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025”. Cùng với đó, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã thường xuyên phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức vận động xúc tiến và thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo đầu tư vào trong các KCN theo hướng lựa chọn các nhà đầu tư có đầy đủ năng lực, công nghệ tiên tiến, sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, thân thiện môi trường.
Ông Kiên cho biết thêm: Cần thu hút đầu tư có chọn lọc, bảo đảm tốt kế hoạch của tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, bảo đảm hài hòa giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước; gắn với nâng cao hiệu quả năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Để nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; chú trọng thu hút doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc và các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước có thương hiệu; các dự án có trình độ công nghệ tiên tiến, hiện đại, quy mô lớn, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn đem lại hiệu quả kinh tế cao.