Hà Nam có 08 KCN được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ với diện tích là 1.773 ha, trong đó có 04 KCN đã đi vào hoạt động với diện tích là 843 ha và 01 KCN với diện tích 300ha đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng, còn lại 03 KCN đang mời gọi các doanh nghiệp đầu tư.
Về công tác thu hút doanh nghiệp FDI, có thể nói Hà Nam đang tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài, số lượng doanh nghiệp FDI tăng lên hàng năm cả về số lượng doanh nghiệp cũng như vốn đầu tư. Năm 2012 Hà Nam chỉ thu hút được 13 dự án FDI với số vốn đăng ký là 43,48 triệu USD, năm 2013 thu hút được 20 dự án FDI với số vốn đăng ký là 125,2 triệu USD, đến năm 2014 thu hút được 26 dự án FDI với số vốn đăng ký là 278,44 triệu USD, năm 2015 thu hút được 28 dự án, điều chỉnh tăng vốn 15 lượt dự án FDI với số vốn đăng ký là 300,65 triệu USD. Hết năm 2015, trong các KCN của tỉnh Hà Nam có 131 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 1,265 tỷ USD. Mặc dù số vốn đăng ký đầu tư của các doanh nghiệp chưa cao, chưa có doanh nghiệp có quy mô đầu tư lớn vào tỉnh, nhưng số lượng doanh nghiệp FDI đã vào đầu tư tại tỉnh ngày càng tăng và Hà Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Ông Trần Xuân Dưỡng
Để có được những thành công trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút các dự án FDI vào các KCN của tỉnh, trong những năm gần đây, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam đã có những đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, cụ thể như:
Công tác cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh được coi trọng và đẩy mạnh, đặc biệt là các thủ tục hành chính có liên quan đến doanh nghiệp như cấp chứng nhận đầu tư, xây dựng, môi trường, đất đai... Ban Quản lý các KCN hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục đảm bảo thời gian nhanh nhất cho nhà đầu tư. Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuyển dụng lao động, thực hiện các thủ tục về đăng ký mẫu dấu, mã số thuế, trực tiếp làm đầu mối thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác nhận tài sản trên đất cho các doanh nghiệp,… Đối với những công ty có vốn đầu tư lớn, công nghệ cao. Ban đề xuất với UBND tỉnh có những cơ chế ưu tiên để thu hút.
Đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư, chủ động gặp gỡ các nhà đầu tư có nguyện vọng đầu tư tại tỉnh để trao đổi, thống nhất những nội dung nhà đầu tư còn băn khoăn. Cam kết với nhà đầu tư để thực hiện những nội dung mà nhà đầu tư nêu ra.
Duy trì đối thoại thường xuyên với các nhà đầu tư đang đầu tư tại tỉnh nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các dự án đang hoạt động, đảm bảo các dự án hoạt động có hiệu quả, đúng tiến độ nhằm tiếp tục củng cố lòng tin của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư kinh doanh tại các KCN của tỉnh, tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới nhà đầu tư mới. Lập điện thoại đường dây nóng 24/24h để các doanh nghiệp có thể phản ảnh trực tiếp những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, qua đó đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Ban cũng thông qua các tổ chức quốc tế, các cơ quan đại diện kinh tế, ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài để tiếp cận và mời gọi các doanh nghiệp về đầu tư tại tỉnh.
Phát huy hiệu quả công tác quản lý doanh nghiệp
Trong những năm qua giá trị sản xuất công nghiệp, thu ngân sách và kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI trong các KCN tỉnh Hà Nam qua các năm đều tăng nhanh trên hai con số, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2015 của giá trị sản xuất công nhiệp là 56%, của thu ngân sách là 66,9%, của kim ngạch xuất khẩu là 95%. Cụ thể:
Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2014 đạt 13.147 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2013, chiếm 75,8% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; năm 2015 đạt 15.307 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ, đạt 107 % kế hoạch năm.
Thu ngân sách năm 2014 đạt 1.020 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2013, chiếm 34,3% tổng thu ngân sách tỉnh; năm 2015 đạt 1.300 tỷ đồng, tăng 27,5% so với cùng kỳ, đạt 104% kế hoạch năm.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt 660 triệu USD, tăng 42% so với năm 2013, chiếm 84,6% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh; năm 2015 đạt 878 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ, đạt 117 % kế hoạch năm.
Công nhân KCN Đồng Văn (Hà Nam)
Để vượt qua những khó khăn và đạt được kết quả đáng khích lệ như trên là do trong thời gian qua, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các sở, ngành trong tỉnh kịp thời đưa ra các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp cụ thể như:
- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đối thoại với doanh nghiệp. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thay đổi phương án sản xuất kinh doanh, mở rộng ngành nghề,… qua đó đã giúp doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn.
- Phối hợp, chỉ đạo các đơn vị cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp trong KCN như điện, nước, viễn thông,… đảm bảo chất lượng, số lượng các dịch vụ cung cấp,....
- Chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, các đơn vị đào tạo nghề và các cơ quan có liên quan thống kê, dự báo chính xác nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp để triển khai việc đào tạo nghề cho lao động theo yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp.
- Trực tiếp đến làm việc với các doanh nghiệp để xử lý kịp thời những vụ việc xảy ra đối với doanh nghiệp, nhất là mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động.
- Phối hợp với Trường cao đẳng nghề mở các lớp đào tạo nguồn lao động cho doanh nghiệp nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc. Tập trung đào tạo nghề, ngoại ngữ, văn hóa ứng xử, tác phong làm việc…
- Phối hợp với cục thuế tỉnh tổ chức hướng dẫn cụ thể các doanh nghiệp trong việc kê khai, nộp thuế đảm bảo nhanh chóng, hiệu quả, giảm thiểu tối đa thời gian kê khai, nộp thuế của doanh nghiệp; hàng tháng Ban Quản lý các KCN đều cập nhật, nắm bắt số thuế đã kê khai, số thuế đã nộp của từng doanh nghiệp để đôn đốc kịp thời các doanh nghiệp chậm nộp, nắm rõ nguyên nhân biến động thuế của từng doanh nghiệp để phục vụ công tác quản lý doanh nghiệp.
- Tăng cường phối hợp với cục thuế tỉnh trong việc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp trong KCN về việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Đảm bảo thực hiện thu đúng, thu đủ các khoản thuế, có các giải pháp chống thất thu thuế.
- Tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp những thuận lợi khi thực hiện thủ tục hải quan tại tỉnh, trực tiếp giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp trong công tác xuất, nhập hàng hóa. Chi cục hải quan KCN đưa ra các giải pháp, các cam kết để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến nhập, xuất hàng hóa. Do vậy, đến nay 100% các doanh nghiệp FDI đã thực hiện kê khai hải quan tại tỉnh.
- Phối hợp với Chi cục hải quan KCN thường xuyên tổng hợp số liệu xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp, kịp thời đưa ra các giải pháp để tăng kim ngạch xuất khẩu cũng như giải quyết các khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến hải quan.
Giải pháp phát triển các KCN
Để phát triển các KCN của tỉnh Hà Nam đảm bảo hình thành hệ thống các KCN liên hoàn, tạo sức lan tỏa; theo hướng phát triển bền vững; nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ; đẩy mạnh thu hút đầu tư; tăng thu ngân sách, tăng giá trị công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm; đảm bảo an ninh - trật tự; giải quyết tốt các vấn về môi trường… Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam đưa ra một số giải pháp trong thời gian tới như sau:
Công tác xúc tiến đầu tư: Tiếp tục đổi mới công tác thu hút đầu tư theo hướng chủ động tìm hiểu, giới thiệu và mời gọi các nhà đầu tư về đầu tư tại tỉnh; nâng cao chất lượng đầu tư, ngoài các doanh nghiệp phụ trợ thì tập trung vào những tập đoàn kinh tế lớn có hàm lượng công nghệ cao; xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích để thu hút các dự án đầu tư, hình thành mạng lưới liên kết sản xuất, kinh doanh, các ngành công nghiệp hỗ trợ để hình thành chuỗi giá trị. Đảm bảo các điều kiện để các doanh nghiệp FDI liên kết với các doanh nghiệp trong nước, qua đó thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo nguồn cung cấp nguyên liệu thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI.
Công tác quản lý doanh nghiệp, thu ngân sách, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu: tăng cường phối hợp với cơ quan thuế, hải quan trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Với mục tiêu đơn giản hóa, công khai, minh bạch Bộ thủ tục hành chính, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, kê khai nộp thuế; chủ động phối hợp, đôn đốc các ngành, đơn vị có liên quan thúc đẩy xây dựng đồng bộ và cung cấp ổn định các dịch vụ hỗ trợ cho phát triển công nghiệp như: điện, nước, dịch vụ viễn thông,… hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động, tư vấn pháp luật, phổ biến chính sách, pháp luật cho người lao động; tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp KCN trong việc thực hiện các nghĩa vụ về tài chính, hiệu quả sử dụng đất đai, lao động, môi trường. Yêu cầu tất cả các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh trong KCN thực hiện thu nộp ngân sách nhà nước đúng quy định: tiền thuê đất, tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp… Phối hợp với ngành thuế có biện pháp chống thất thu thuế.