Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước
Với sự quyết liệt của các cấp chính quyền và sự cố gắng, nỗ lực của Ban Quản lý, các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, trong năm 2016, các KCN của tỉnh đã được giải phóng mặt bằng, hạ tầng các KCN tỉnh Hà Nam từng bước được hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.
Công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đạt hiệu quả cao. Trong năm 2016, Ban Quản lý các KCN đã chủ trì và phối hợp tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư tại các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc; tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Hà Nam. Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN cũng chủ động tích cực thực hiện công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư. Kết quả, năm 2016, các KCN trong tỉnh đã thu hút thêm 33 dự án, trong đó có 07 dự án đầu tư trong nước và 26 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 33 lượt dự án. Tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm là 5.896,15 tỷ đồng và 695,02 triệu USD.
Ông Trần Xuân Dưỡng - Trưởng ban, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam (thứ 4 từ trái sang) trao Giấy khen cho các cá nhân xuất sắc
Tính đến cuối năm 2016, các KCN trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 258 dự án đầu tư còn hiệu lực; trong đó có 156 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 1.979,09 triệu USD và 102 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 14.366,1 tỷ đồng.
Để có được những kết quả trên, trong thời gian qua, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN, các đơn vị cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ trong KCN, cụ thể:
Thủ tục hành chính được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa điện tử đã rút ngắn được thời gian so với quy định, tạo điều kiện thuận lợi, công khai, minh bạch cho nhà đầu tư.
Phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an và chính quyền địa phương, bố trí cán bộ thường xuyên có mặt tại các KCN để theo dõi các hoạt động diễn ra tại các KCN (đặc biệt là trong dịp nghỉ lễ, Tết), vì vậy công tác an ninh trật tự trong KCN được duy trì, đảm bảo an toàn cho người và tài sản, không xảy ra hiện tượng gây rối, mất trật tự trong KCN.
Duy trì hệ thống tiêu thoát nước mưa, nước thải trong KCN, không để tình trạng ngập úng trong mùa mưa bão, thường xuyên kiểm tra đấu nối xả thải và chất lượng nước thải của các doanh nghiệp trước khi đấu nối vào hệ thống thoát nước chung của KCN.
Phối hợp với Công ty Điện lực Hà Nam trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định cho các doanh nghiệp, thường xuyên duy trì hệ thống điện chiếu sáng, đảm bảo đủ ánh sáng trong các KCN. Đồng thời, Ban cũng đôn đốc, yêu cầu các đơn vị cung cấp nước sạch, dịch vụ viễn thông đảm bảo cung cấp đủ, đạt chất lượng các dịch vụ cho các doanh nghiệp hoạt động.
Thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các dự án chậm triển khai, các dự án hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí đất.
Việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về KCN đã góp phần thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, các chỉ tiêu kinh tế (đóng góp ngân sách, giá trị xuất khẩu, việc làm…) đều tăng khá. Năm 2016, vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp KCN trong tỉnh đạt 1.074,2 tỷ đồng và 212,79 triệu USD. Lũy kế đến tháng 12/2016, vốn đầu tư đã thực hiện của các doanh nghiệp trong các KCN đạt 7.990,3 tỷ đồng, bằng 55,7% vốn đăng ký và 1.193,3 triệu USD, bằng 60,5% vốn đăng ký. Trong năm 2016, số lao động trong KCN tăng thêm 6.408 người, đạt 128,16% kế hoạch.
Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư trong năm 2017
Trong năm 2017, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các KCN, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
- Phối hợp chặt chẽ với các ngành, chính quyền địa phương, chủ kinh doanh hạ tầng KCN đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ các KCN để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư.
- Nâng cao chất lượng thu hút các dự án đầu tư, tập trung thu hút các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường, tiêu thụ ít năng lượng, có đóng góp nhiều cho ngân sách địa phương.
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường của KCN, các doanh nghiệp trong KCN thực hiện chỉ tiêu phát triển môi trường bền vững.
- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình triển khai dự án và thực hiện các mục tiêu trong Giấy chứng nhận đầu tư để có những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cũng như có những biện pháp xử lý phù hợp đối với những dự án không thực hiện theo cam kết.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về pháp luật lao động cho chủ sử dụng lao động và công nhân lao động, nhất là các công ty mới đi vào hoạt động thực hiện các quy định của Luật Lao động, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
- Tiếp tục thực hiện triển khai cải cách thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị theo hướng đơn giản hóa, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp khi thực hiện đầu tư vào các KCN. Thực hiện công khai, minh bạch, nghiêm túc các thủ tục hành chính sau rà soát, đơn giản hoá; nâng cao chất lượng các dịch vụ cung cấp cho các doanh nghiệp trong KCN như điện, nước, viễn thông, an ninh trật tự,... đảm bảo thực hiện tốt nhất 10 cam kết của UBND tỉnh đối với các nhà đầu tư.
Với những kết quả đạt được và những giải pháp đề ra trong giai đoạn tiếp theo, Hà Nam hứa hẹn sẽ trở thành môi trường lý tưởng thu hút các nhà đầu tư, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong KCN hoạt động có hiệu quả tốt nhất.