Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động các KKT, KCN

Chiến lược - Quy hoạch - Kế hoạch Chiến lược, định hướng phát triển  
Thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động các KKT, KCN
Tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008,  số 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 và số 114/2015/NĐ-CP ngày 09/11/2015 của Chính phủ về KCN, KCX và KKT theo hướng nghiên cứu bổ sung quy định liên quan tới một số mô hình mới như: KCN sinh thái, KCN hỗ trợ, KCN - đô thị - dịch vụ; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội trong các KKT, KCN, cụm công nghiệp (CCN); tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của các địa phương có KCN đã đi vào hoạt động nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung... là những kết luận quan trọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình quản lý, hoạt động các KKT, KCN diễn ra ngày 17/8 vừa qua tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ.

KCN, KKT tiếp tục phát huy hiệu quả và vai trò động lực

Kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, trong năm 2016, tình hình hoạt động của các KKT, KCN đã đạt được những kết quả tích cực, tiếp tục phát huy hiệu quả và vai trò động lực ngày càng quan trọng trong việc thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, nộp ngân sách nhà nước và tạo thêm việc làm mới. Tỷ lệ lấp đầy các KCN, KKT và tỷ lệ số lượng các KCN có nhà máy xử lý nước thải đi vào hoạt động đạt tiêu chuẩn môi trường trên tổng số KCN đang hoạt động trên cả nước đạt cao hơn cùng kỳ năm 2015...

Đặc biệt, hệ thống pháp luật, chính sách về KKT, KCN, CCN  ngày càng được hoàn thiện và làm cơ sở pháp lý quan trọng cho việc phát triển và khai thác lợi thế của mô hình này. Công tác chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước về KCN, KKT, CCN được tăng cường và đi vào nề nếp. Công tác quy hoạch, thành lập các KKT, KCN, CCN được quản lý chặt chẽ hơn.

KCN sinh thái là một trong những mô hình mới sẽ được nghiên cứu, bổ sung các quy định liên quan trong quá trình sửa đổi, bổ sung các Nghị định về KCN, KKT

Một số tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc quản lý, hoạt động của các KKT, KCN, CCN trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là chất lượng công tác quy hoạch phát triển KKT, KCN chưa cao và chưa có nhiều tính gắn kết với phát triển đô thị, nhà ở và các công trình kết cấu hạ tầng xã hội. Một số KKT, KCN, CCN có chất lượng hạ tầng kỹ thuật còn thấp, còn thiếu các công trình dịch vụ tiện ích công cộng, chưa gắn với quy hoạch các khu dịch vụ hậu cần công nghiệp, chưa đảm bảo các yếu tố cảnh quan, cây xanh và yêu cầu bảo vệ môi trường nên làm giảm tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư; chưa có mô hình KKT, KCN đặc thù, có tính cạnh tranh cao. Vốn đầu tư cho phát triển các công trình kết cấu hạ tầng KKT, KCN, CCN, đặc biệt là KKT cửa khẩu còn thiếu và phân bổ dàn trải nên làm giảm hiệu quả đầu tư.

Năng lực quản lý của các chủ thể liên quan như Ban Quản lý các KCN, KKT, Công ty phát triển hạ tầng KCN có nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Việc phát triển nhà ở xã hội và các công trình phúc lợi về giáo dục, văn hóa, thể thao, xã hội, y tế... cho công nhân, người lao động làm việc tại các KKT, KCN còn thiếu và chưa đồng bộ, dẫn đến đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của công nhân, người lao động làm việc tại các KKT, KCN chưa được cải thiện rõ rệt.

Cơ chế, chính sách liên quan tới KKT, KCN, CCN vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa được bổ sung và điều chỉnh kịp thời. Do vậy, cần phải được tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho đồng bộ nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để các KKT, KCN, CCN thực sự trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch các KCN đảm bảo có quy hoạch cho xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng; gắn phát triển KCN với phát triển đô thị, thương mại, khu hậu cần công nghiệp; tăng cường quản lý, giám sát tiến độ xây dựng, bảo vệ môi trường.

Tập trung thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động các KKT, KCN, CCN

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ để đạt được mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và nâng cao hiệu quả hoạt động các KKT, KCN, CCN.

Sửa đổi, bổ sung các Nghị định về KCN, KKT

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008, số 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 và số 114/2015/NĐ-CP ngày 09/11/ 2015 của Chính phủ về KCN, KCX và KKT theo hướng nghiên cứu bổ sung quy định liên quan tới một số mô hình mới như: KCN sinh thái, KCN hỗ trợ, KCN - đô thị - dịch vụ; hướng dẫn thi hành Điều 24 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư về cơ chế phối hợp giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký kinh doanh. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang cập nhật tình hình triển khai các công trình kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư tại các khu vực đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Ban cán sự Đảng Chính phủ.

Đối với Dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến để hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ký, ban hành. Đồng thời, Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12/2/2007 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam theo hướng tiếp tục quy định Ban Quản lý các KCN, KKT nơi tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào KCN, KKT thực hiện việc cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn, thu hồi Giấy phép kinh doanh.

Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu xây dựng và trình Chính phủ Nghị định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong KKT, khu công nghệ cao; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư xây dựng - kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, đầu tư các công trình phúc lợi về giáo dục, văn hóa, thể thao, xã hội và y tế cho các đối tượng quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở.

Bộ Tài Nguyên và Môi trường được giao nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất sản xuất trong KCN, CCN và nghiên cứu cho phép áp dụng thời hạn thanh toán tiền thuê đất linh hoạt, phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng được giao rà soát điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng các KKT, khu công nghệ cao, quy hoạch chi tiết xây dựng KCN, KCX gắn với việc phát triển đô thị và nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho công nhân; chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội trong các KKT, KCN, CCN.

UBND các tỉnh, thành phố quy hoạch, ưu tiên bố trí quỹ đất, kinh phí đầu tư và thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và các công trình phúc lợi về giáo dục, văn hóa, thể thao, xã hội và y tế cần thiết phục vụ công nhân, người lao động tại các KKT, KCN, CCN.

Thực hiện công tác bảo vệ môi trường

Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của các địa phương có KCN đã đi vào hoạt động nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung; tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước về đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng công trình, công nghệ, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 27/TT-BTNMT ngày 29/5/2015 theo hướng ủy quyền cho Ban Quản lý KKT thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong KKT, KCN.

UBND các tỉnh/thành phố khẩn trương thực hiện các biện pháp xử lý các KCN hoạt động kém hiệu quả; tập trung giải quyết và xử lý vướng mắc, khó khăn của các KCN, hỗ trợ chủ đầu tư đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư; đẩy mạnh tìm kiếm nhà đầu tư có năng lực để đầu tư hạ tầng các KCN đã thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; khẩn trương đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường theo quy định.