Các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm đến những vấn đề như: mặt bằng sạch, chất lượng nguồn lao động, công tác bảo đảm an ninh trật tự, nguồn điện cung cấp cho doanh nghiệp, giải quyết nhanh gọn thủ tục hành chính. Tỉnh Hà Nam sau khi tái lập có nhiều ưu thế để thu hút đầu tư như: tiềm năng quỹ đất sạch dành cho phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN); nguồn lao động dồi dào, chất lượng tốt; các dịch vụ công có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, mấy năm qua môi trường thu hút đầu tư đã được cải thiện rõ rệt. Chính quyền chuyển từ quản lý sang phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp, thực hiện tốt các cam kết với nhà đầu tư. Do vậy, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tìm về Hà Nam xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, tốc độ thu hút FDI ở Hà Nam trong mấy năm qua có chuyển biến rõ nét.
Sau 10 năm kể từ ngày chấp thuận dự án đầu tiên có giá trị 05 triệu USD đầu tư vào Cụm CN phía Tây Nam thành phố Phủ Lý, đến nay toàn tỉnh đã có 103 dự án FDI đầu tư vào các KCN với tổng nguồn vốn gần 1 tỷ USD. Tổng số lao động theo dự án là hơn 33 nghìn 900 người. Đến nay, các doanh nghiệp đã giải quyết việc làm cho hơn 12.000 lao động. Trong số các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào tỉnh ta có gần 60 doanh nghiệp đến từ Nhật Bản và hơn 20 doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc. Doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc đầu tư chủ yếu vào nhóm ngành công nghiệp: điện, điện tử, linh kiện ô tô, xe gắn máy, sản xuất sản phẩm từ nhựa, dây đồng, đồ trang sức, hàng mỹ ký, đồ chơi trẻ em… Một số doanh nghiệp có dự án lớn và sử dụng nhiều lao động như: Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam (KCN Đồng Văn II) đang giải quyết việc làm cho hơn 7.000 lao động; Công ty TNHH Honda Việt Nam đang giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động, có kế hoạch một năm nộp ngân sách nhà nước khoảng 1.000 tỷ đồng. Riêng năm 2014, tại các KCN đã cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 46 dự án FDI với tổng nguồn vốn hơn 260 triệu USD, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
Theo ông Hirokazu Yamaoka - nguyên Giám đốc JETRO Nhật Bản tại Việt Nam cho biết: Đến nay đã có gần 60 doanh nghiệp của Nhật Bản đầu tư vào các KCN của tỉnh Hà Nam. Nhiều nhà đầu tư của Nhật Bản ghi nhận những nỗ lực của chính quyền địa phương khi đồng hành cùng doanh nghiệp, đặc biệt là việc mạnh dạn thực hiện 10 cam kết với nhà đầu tư. Doanh nghiệp của Nhật Bản còn được chính quyền hỗ trợ trên nhiều mặt như: lựa chọn địa điểm đầu tư, bàn giao mặt bằng sạch, giải quyết nhanh chóng thủ tục hành chính, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng trong KCN, hỗ trợ tuyển dụng lao động, thành lập đường dây nóng giải quyết những việc phát sinh, bảo đảm tốt công tác an ninh trật tự. Năm 2015, “làn sóng” các nhà đầu tư của Nhật Bản tiếp tục hướng về Hà Nam, trong đó chủ yếu vẫn là nhà đầu tư phụ trợ cho các tập đoàn kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Oang - Tỉnh uỷ viên - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Ưu điểm của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc là tiến độ thực hiện dự án theo đúng cam kết, quan tâm tốt chế độ chính sách đối với người lao động, có ý thức tiết kiệm đất và có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường. Để thu hút được các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư. Quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh, ưu tiên thu hút nhà đầu tư nước ngoài, trong đó hướng mạnh thu hút nhà đầu tư vừa và nhỏ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, có vị trí đất dành riêng cho nhà đầu tư phụ trợ theo nhóm ngành nghề. Sau nhiều năm liên tục xúc tiến đầu tư ở Nhật Bản, Hàn Quốc, các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp của hai nước trên đã tin tưởng vào chính sách của tỉnh và trên thực tế đã và đang có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa phương.
Tỉnh Hà Nam hiện có 04 KCN gồm: Đồng Văn I, II, Hoà Mạc và Châu Sơn đã được xây dựng. Trong đó, KCN Đồng Văn I, II cơ bản đã được “lấp đầy”. KCN Châu Sơn có tổng diện tích 170 ha, trong đó 115 ha giai đoạn II đang được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Hiện UBND tỉnh đang chỉ đạo thu hồi đất xây dựng KCN Đồng Văn III. Như vậy, quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp vẫn còn hàng trăm ha để thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là tiếp tục ưu tiên thu hút các nhà đầu tư của Nhật Bản, Hàn Quốc, trong đó ưu tiên thu hút các nhà đầu tư vừa và nhỏ, nhà đầu tư thứ cấp vào KCN. Đặc biệt có riêng khu vực ưu tiên thu hút nhà đầu tư thứ cấp (kể cả thuê từ 5.000 m2)./.