Thu hút đầu tư đã tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội như tăng trưởng kinh tế bình quân 03 năm 2011 - 2015 là 12,5%/năm; các ngành, lĩnh vực đều phát triển nhanh: công nghiệp 21,7%/năm; nông nghiệp 0,7%/năm; dịch vụ 10,5%/năm; xuất khẩu 48,5%/năm… thu hút được nhiều dự án và nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đến đầu tư. Thu hút đầu tư đã thay đổi lớn trong nông thôn, từng bước hình thành các vùng động lực, là đầu tàu và có sức lan tỏa trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế.
Tuy nhiên định hướng đầu tư còn dàn trải, chưa có trọng tâm, nhiều lĩnh vực thu hút trong các quy hoạch, kế hoạch còn chung chung, chưa cụ thể. Mục tiêu đầu tư của một số lĩnh vực cần điều chỉnh. Đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, cơ cấu đầu tư chưa hợp lý; thu hút đầu tư nước ngoài chưa cao; nhiều dự án tiến độ chậm, tỷ lệ giải ngân thấp; chất lượng lao động chưa đáp ứng được nhu cầu; tổng vốn và nhà đầu tư thu hút được chưa tương xứng với tiềm năng; vị trí thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp ít…
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 13,0%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015 và cao hơn trong giai đoạn 2016 - 2020, phải đảm bảo chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, đổi mới định hướng đầu tư, tập trung nguồn vốn để giải quyết công trình, dự án trọng tâm, trọng điểm. Như vậy cần thu hút 32.000 - 35.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2014 - 2015 và 170.000 - 180.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2016 - 2020.
Đổi mới định hướng đầu tư để hình thành những ngành, lĩnh vực chủ lực và tạo vùng động lực phát triển của tỉnh, trong đó tập trung đầu tư hạ tầng khung, hạ tầng phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ, những dự án trọng tâm và có tính liên kết tập vùng. Tập trung huy động vốn đầu tư phát triển, phân bổ vốn đầu tư hợp lý đi đôi với tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, thuận tiện, cởi mở.
Đối với ngành công nghiệp:
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2014 - 2015 đạt 22,6%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 đạt 20%/năm.
Các lĩnh vực ưu tiên phát triển, thu hút đầu tư: Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp phụ trợ; công nghiệp cơ khí, công nghiệp điện tử; công nghiệp thực phẩm; công nghiệp dược.
Ổn định công suất sản xuất xi măng của các nhà máy; công suất khai thác đá ở mức 11 triệu m3/năm; đảm bảo môi trường và đúng quy hoạch; phát triển hợp lý về quy mô, công suất công nghiệp “hậu” xi măng.
Hạn chế khai thác khoảng sản thô, công nghiệp thức ăn chăn nuôi thông thường.
Địa bàn thu hút đầu tư: Huyện Duy Tiên, Thanh Liêm.
Dịch vụ - Thương mại:
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2014 - 2015 đạt 11,4%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 đạt 14%/năm.
Nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư, xúc tiến thương mại - du lịch - dịch vụ. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là Khu Đại học Nam Cao. Hình thành Trung tâm chất lượng cao về y tế, dịch vụ đào tạo của vùng.
Phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng gắn với vui chơi, giải trí, trọng tâm là Khu Tam Chúc - Ba Sao.
Phát triển dịch vụ thương mại - khách sạn - nhà hàng ở các vùng lõi QL1A và đường cao tốc, trọng tâm là khu vực nút giao Liêm Tuyền.
Khuyến khích, kêu gọi đầu tư cảng ICD tại khu vực nút giao Vực Vòng - Đồng Văn phục vụ xuất nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa tại các khu công nghiệp của tỉnh và các tỉnh xung quanh.
Địa bàn phát triển: Thành phố Phủ Lý, huyện Kim Bảng và Duy Tiên.
Về nông nghiệp:
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp 2,8%/năm trở lên. Sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân.
Tập trung phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ phát triển công nghiệp thực phẩm.
Địa bàn phát triển: Huyện Bình Lục, Lý Nhân, Kim Bảng, Duy Tiên./.