Do suy thoái kinh tế, những năm qua các doanh nghiệp của tỉnh ta cũng gặp không ít khó khăn, chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao trong khi đó sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm, giá thấp, lượng hàng tồn kho lớn... ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, không ít các doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, tạm ngừng hoạt động hoặc sản phẩm kinh doanh cầm chừng. Các mặt hàng sản xuất ra tiêu thụ chậm chủ yếu thuộc nhóm ngành vật liệu xây dựng, cơ khí thương mại, vận tải kho bãi, trong đó nhiều doanh nghiệp khai thác chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh hoạt động chỉ đạt 30-40% công suất so với trước đây. Mặt khác, cơ chế chính sách của nhà nước, của tỉnh cũng có những thay đổi đã làm ảnh hưởng tâm lý của các nhà đầu tư. Quá trình vay vốn của các doanh nghiệp chủ yếu dựa vào thế chấp bất động sản, song do giá bất động sản xuống thấp, các doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận nguồn vốn vay hoặc nguốn vốn vay chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ của doanh nghiệp, trong khi đó nợ đọng xây dựng cơ bản của chủ đầu tư lớn dẫn đến doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó là bao khó khăn về tuyển dụng lao động có tay nghề, trình độ quản lý của cán bộ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, khả năng tiếp thị yếu, thiếu sự liên doanh liên kết..., càng làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vốn đã khó lại càng khó hơn.
Mặc dù vậy, bằng nhiều giải pháp của chính quyền địa phương hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp làm tốt công tác xúc tiến đầu tư các sản phẩm công nghiẹp chủ yếu vẫn duy trì đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Hàng năm sản phẩm chủ lực như: Bia, tăng hơn 9%, sữa tăng hơn 30%, xi măng tăng khoảng 5,5% thiết bị điện tử tăng 35%, bộ dây dẫn điện ô tô tăng gần 50%, may mặc tăng hơn 80%. Số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2013 toàn tỉnh có 1584 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, tăng 13% so với năm 2012. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp năm 2013 đạt 54,661 tỷ đồng, chiếm 53,4%GDP toàn tỉnh. Trong đó, khu vực doanh nghiệp dân doanh đóng góp tỷ trọng lớn nhất 37,3% GDP, tăng 7,6% so với năm 2012; doanh nghiệp FDI đóng 10,2% GDP; doanh nghiệp nhà nước đóng góp 5,9%GDP. Từ những kết quả đã đạt được, năm 2014 này toàn tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất của các doanh nghiệp chiếm tỷ trọng từ 55% GDP của địa phương trở lên.
Ông Trần Xuân Dưỡng, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Tính đến hết tháng 7 các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn đã đạt giá trị sản xuất 7.789 tỷ đồng, đạt hơn 70% kế hoạch năm, nộp ngân sách nhà nước 592 tỷ đồng, trong đó thu thuế nội địa được 240 tỷ đồng, còn lại thuế xuất nhập khẩu. Với tốc độ như hiện nay, ước giá trị sản xuất công nghiệp trong KCN cả năm sẽ đạt khoảng 12000 tỷ đồng, chiếm khoảng hơn 50% giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh, tăng 1500 tỷ đồng so với kế hoạch và nộp ngân sách khoảng 1000 tỷ đồng. Sở dĩ ước được kết quả trên do phần lớn các doanh nghiệp trong KCN đã đầu tư và đi vào sản xuất tương đối ổn định, xây dựng kế hoạch hàng tháng sát với thực tế sản xuất. Đặc biệt, năm 2014 có 25 doanh nghiệp đăng ký có sản phẩm mới trong đó đến nay đã có 18 doanh nghiệp đi vào hoạt động, còn lại 7 doanh nghiệp cũng đã cam kết trong năm 2014 có sản phẩm mới.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Trong thời gian qua, đơn vị đã tiến hành rà soát lại hoạt động của các doanh nghiệp trong cụm CN- TTCN trên cơ sở đó nắm bắt những khó khăn vướng mắc để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ổn định, khôi phục, mở rộng sản xuất kinh doanh. Hàng loạt các giải pháp đã được Sở Công thương tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp như: Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn; tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, trong đó có sự phối hợp của các ngành để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn; tập trung giải quyết những vướng mắc liên quan đến ngành để hỗ trợ hơn 40 doanh nghiệp trong năm 2014 đi vào sản xuất có sản phẩm mới. Với cách làm trên, ngành Công thương tin tưởng trong năm 2014, giá trị sản xuất CN-TTCN sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra.
Trong những tháng cuối năm, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, nắm bắt thông tin, trực tiếp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường. Các ngành tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại thông qua việc tổ chức hội chợ triển lãm, tạo cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Các ngân hàng thương mại tập trung giải ngân vốn cho doanh nghiệp vay mở rộng sản xuất kinh doanh. Đối với doanh nghiệp, tự tiến hành rà soát lại hoạt động sản xuất kinh doanh cơ cấu lại phương án sản xuất, đổi mới công nghệ nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra./.