Qua thực tiễn phát triển KCN trong thời gian qua ở Hà Nam, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây :
Một là, cùng với những chủ trương chính sách của Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, sự thống nhất nhận thức và nhất quán hành động của toàn thể Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh trong quá trình quy hoạch, xây dựng KCN là vô cùng quan trọng. Và với chính sách thỏa đáng, hợp lý, nó sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải tỏa để nhanh chóng triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN và kêu gọi đầu tư.
Hai là, quy hoạch hình thành KCN phải dựa trên lợi thế so sánh của vùng, có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, gắn với sự phát triển hệ thống giao thông trong và ngoài hàng rào KCN, đấu nối các hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, bưu chính viễn thông ...), nguồn lao động cung cấp cho KCN. Phải xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc quy hoạch và phát triển các KCN bao gồm từ kế hoạch, mục tiêu, tiến độ và quảng bá hình ảnh để thu hút đầu tư. Xây dựng các KCN có vị trí hợp lý, thuận tiện về giao thông và có hạ tầng tốt … để các doanh nghiệp thuận tiện trong đầu tư xây dựng và sản xuất kinh doanh.
Ba là, lựa chọn chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN phải có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản lý và thu hút đầu tư …
Bốn là, thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, tăng cường công tác cải cách hành chính; sự quan tâm và thống nhất thực hiện của các sở ban ngành trong tỉnh, nhất là thường xuyên, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Năm là, việc xây dựng KCN phải thống nhất giữa mục tiêu đặt ra và chính sách thực hiện. Ví dụ như mục tiêu trước đây là xây dựng KCN nhằm đáp ứng việc giải phóng lao động ra khỏi nông nghiệp, thì các KCN phải thu hút các nhà đầu tư với các dự án cần nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại và trong thời gian tới mục tiêu giải phóng lao động ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp không còn quan trọng mà là mục tiêu làm sao thu hút được các dự án tạo gia được giá trị gia tăng lớn, đóng góp nhiều cho ngân sách và có hiệu quả sử dụng nguồn lực cao đồng thời phải đảm bảo về vấn đề môi trường.
Sáu là, tăng cường công tác XTĐT trong và ngoài nước, trên nguyên tắc “tỉnh cần nhà đầu tư sau mới đến nhà đầu tư cần tỉnh”, kết hợp hài hoà giữa việc tỉnh chọn lựa nhà đầu tư và nhà đầu tư chọn lựa tỉnh. Kết hợp giữa việc tổ chức hội thảo XTĐT chung với việc gặp gỡ tiếp xúc trực tiếp với từng nhà đầu tư hay từng nhóm nhà đầu tư. Phối kết hợp với các Trung tâm tư vấn trong và ngoài nước có uy tín và kinh nghiệm để thu hút đầu tư. Quan tâm đến XTĐT đối với các nhà đầu tư FDI nhưng cũng không bỏ quên các nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là các nhà đầu tư trong Top 500. XTĐT đối với ngay các nhà đầu tư đã có hoạt động sản xuất kinh doanh trong KCN, coi đây là một kênh thu hút đầu tư trực tiếp và thường xuyên. Phát huy mối quan hệ và cả trách nhiệm thu hút đầu tư của các cấp các ngành để XTĐT.