Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tháo gỡ khó khăn khi thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Thông tin chuyên ngành Quản lý hoạt động các Doanh nghiệp  
Tháo gỡ khó khăn khi thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Thực hiện Nghị định 66 (tháng 5/2008) của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý (HTPL) cho doanh nghiệp (DN), những năm qua, công tác tư vấn (TV), HTPL cho DN trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành chức năng tập trung phối hợp triển khai và bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, để công tác TV, HTPL cho DN đi vào thực chất, trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho sản xuất, kinh doanh (SXKD), đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững cần sự nỗ lực hơn nữa của các cấp, ngành hữu quan.

Đáp ứng yêu cầu tìm hiểu văn bản chính sách pháp luật, chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh từ phía các DN, nhiều năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng cùng các huyện, thành phố xây dựng, cập nhật kịp thời văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh và ngành, chú trọng văn bản QPPL có chứa quy định về thủ tục hành chính (TTHC); thường xuyên rà soát bộ TTHC đang thực hiện, đơn giản hóa, cắt giảm những thủ tục không cần thiết; công khai TTHC tại nơi thực hiện và trên Cổng Thông tin điện tử của UBND tỉnh, phục vụ cho DN, người dân tra cứu. Đặc biệt, từ tháng 10/2013, khi Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh triển khai thực hiện “Ngày pháp luật” trên phạm vi toàn tỉnh, hoạt động tuyên truyền PBGDPL cho nhân dân nói chung, công nhân, người lao động, DN nói riêng có bước chuyển tích cực. Với vai trò cơ quan chuyên môn, ngành Tư pháp đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn, phổ biến, giải đáp pháp luật cho DN; mở Chuyên mục “PBGDPL cho DN” trên Cổng Thông tin điện tử của ngành; đồng thời, tiếp nhận kiến nghị của DN về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật để phản hồi với cơ quan ban hành, phục vụ công tác sửa đổi, bổ sung. Thực hiện Chương trình 585 (HTPL cho DN) của Bộ Tư pháp, từ năm 2013 đến nay, Sở Tư pháp đã phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư tỉnh tổ chức 03 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ làm công tác HTPL cho DN. Ngành Tư pháp cũng TV pháp lý 37 vụ việc cho DN liên quan đến đất đai, môi trường…

Cùng với hoạt động của các ngành chức năng, từ tháng 5/2014, Công ty Luật TNHH Hà Nam đã triển khai chương trình trợ giúp pháp lý miễn phí cho DN tỉnh (định kỳ vào thứ tư hằng tuần), tạo điều kiện thuận lợi cho DN mở rộng việc lựa chọn, tiếp cận các loại hình TV, HTPL. Mặc dù thời gian triển khai chưa lâu, nhưng nhiều nội dung TV, HTPL cho DN được công ty thực hiện có hiệu quả như: soạn thảo, giao kết và thực hiện hợp đồng; về cạnh tranh; hải quan, phí, lệ phí; môi trường; đất đai; kinh doanh bất động sản; đầu tư; xây dựng; lao động… Theo Luật sư Nguyễn Huỳnh Long, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Nam: Ngoài TV, HTPL trực tiếp tại văn phòng, công ty còn phối hợp với các sở, ngành giúp DN tháo gỡ khó khăn trong hoạt động quản lý, tổ chức SXKD. Sau 3 tháng triển khai, công ty đã TV, HTPL miễn phí cho hàng chục DN về lĩnh vực này. Đại diện Công ty TNHH Nam Sơn cho biết: Với sự TV, HTPL từ phía Công ty Luật TNHH Hà Nam, DN yên tâm, tự tin hơn trong việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật hướng tới sự phát triển ổn định, lâu dài, bền vững. Đặc biệt, thông qua chương trình TV, HTPL, mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước và DN đã được cải thiện đáng kể, nhất là trong giải quyết các vướng mắc về TTHC.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác TV, HTPL cho DN trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế. Thông qua các hội nghị gặp gỡ thường niên của chính quyền với DN trên địa bàn cho thấy, trong khi các ngành chức năng đánh giá nhận thức của chủ DN về các quy định của pháp luật chưa cao thì cộng đồng DN lại phản ánh thời gian qua họ chưa nhận được sự trợ giúp pháp lý từ các cơ quan nhà nước. Trao đổi về vấn đề này, ông Lưu Trần Sơn, Trưởng phòng Nội chính (Văn phòng UBND tỉnh) cho biết: Nguyên nhân của thực trạng trên là do hoạt động TV, HTPL cho DN trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất mới mẻ, hình thức chưa đa dạng, chưa tương xứng với nhu cầu phát triển chung. Cùng đó, đội ngũ luật sư và các chuyên gia TV, HTPL cho DN còn mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm chuyên sâu. Nguồn kinh phí phục vụ hoạt động TV, HTPL cho DN hầu như không có, dẫn đến việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, tọa đàm chuyên đề pháp luật kinh doanh cũng như xây dựng mạng lưới TV, HTPL cho DN bị hạn chế. Nhiều cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh chưa bố trí được cán bộ pháp chế chuyên trách. Năm 2008, Câu lạc bộ Pháp chế DN tỉnh được thành lập nhưng hiệu quả hoạt động còn hết sức hạn chế. Về phía DN, thực tiễn cho thấy, phần lớn chủ DN chưa coi trọng lợi ích của việc áp dụng pháp luật vào trong hoạt động SXKD. Nhân nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Trưởng phòng Chính sách - Lao động - Tiền lương (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng: Các DN trên địa bàn chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, việc xảy ra tranh chấp không nhiều. Do vậy, họ chưa thực sự quan tâm đúng mức đến hoạt động TV, HTPL thường xuyên và có chiều sâu. Chỉ khi nào có xảy ra tranh chấp, các DN mới vội vã thuê luật sư, chuyên gia TV, HTPL theo vụ việc đơn lẻ.

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2015 có ít nhất 40% DN trên địa bàn tỉnh được thường xuyên TV, HTPL, thời gian tới rất cần có sự cộng đồng trách nhiệm từ cả hai phía: Cơ quan chức năng và DN. Theo đó, cùng với việc đặc biệt chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ pháp chế chuyên trách, luật sư, chuyên gia, cộng tác viên TV, HTPL giỏi và giàu kinh nghiệm, hai bên cần quan tâm, phối hợp bố trí nguồn kinh phí bảo đảm cho công tác đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng đối với đội ngũ thực hiện công tác TV, HTPL cho DN. Đồng thời, quan tâm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đủ mạnh đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của DN về tìm hiểu, tiếp cận thông tin pháp luật. Mặt khác, phối hợp đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giúp chủ DN thấy rõ tầm quan trọng của hoạt động TV, HTPL và sử dụng nó như một công cụ hỗ trợ đắc lực trong SXKD, phòng ngừa rủi ro và phát triển bền vững./.