Đến nay, tỉnh Hà Nam có 08 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, với tổng diện tích là 1.773 ha. Thực hiện Chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 07 tháng 5 năm 2012 của Tỉnh ủy Hà Nam về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 30-CTr/TU của UBND tỉnh Hà Nam, Hà Nam đã tập trung thu hút các dự án đầu tư có công nghệ cao, tiêu hao ít nhiên liệu, đảm bảo môi trường bên cạnh việc đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư nhằm tăng số lượng các dự án thu hút được vào KCN. Năm 2013, các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 26 dự án, trong đó có 20 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 118,0 triệu USD và 06 dự án trong nước với vốn đầu tư đăng ký 161,9 tỷ đồng. Quý I/2014 các KCN của tỉnh đã thu hút được 03 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 9,5 triệu USD; có 171 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 82 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 729,8 triệu USD và 89 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 8.519,9 tỷ đồng. Đến nay có 135 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, 36 dự án đang tiến hành đầu tư xây dựng; có 30.240 lao động làm việc trong các KCN.
Nhằm phấn đấu thực hiện hoàn thành kế hoạch phát triển doanh nghiệp đến năm 2015, tỉnh Hà Nam đang tập trung đầu tư hoàn thiện xây dựng hạ tầng khung các khu, cụm công nghiệp thu hút các doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài, đẩy mạnh công tác xúc tiến thu hút đầu tư. Cùng với đó, các chính sách thu hút đầu tư đã và đang được triển khai mạnh mẽ. Hàng năm có trên 60% doanh nghiệp được hỗ trợ thông tin và tư vấn doanh nghiệp; bình quân mỗi năm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp cho khoảng 2.000 lượt người; 40% doanh nghiệp trở lên được trợ giúp pháp lý... Tỉnh đặc biệt chú trọng xây dựng, ban hành cơ chế chính sách trợ giúp phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, chính sách về đất đai, chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng hạ tầng khung tại các KCN, thực hiện tốt 10 cam kết của tỉnh với các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Để nắm bắt tình hình và kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, hàng năm UBND tỉnh đều tổ chức gặp mặt với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Qua các buổi gặp mặt, đối thoại, tỉnh đã kịp thời có những chính sách phù hợp đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp. Công tác đảm bảo an ninh trật tự và vệ sinh môi trường tại các KCN cũng được tỉnh Hà Nam đặc biệt quan tâm. UBND tỉnh giao Ban Quản lý các KCN thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam, Đồn Công an KCN chủ động các phương án phòng ngừa, không để xảy ra các vụ việc phức tạp, đảm bảo tốt an ninh trật tự trong KCN. Ban Quản lý các KCN phối hợp với các cơ quan chức năng cung cấp và đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của nhà đầu tư, của doanh nghiệp về điện, nước, viễn thông, dịch vụ tài chính - ngân hàng; thường xuyên tổ chức hướng dẫn, tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài về các chế độ, chính sách pháp luật như thủ tục lao động nước ngoài, luật bảo hiểm xã hội, luật lao động…
Với những chính sách ưu đãi của tỉnh, Hà Nam đã và đang làm hài lòng các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi đến đầu tư. Đặc biệt năm 2013, chỉ số PCI của tỉnh được cải thiện đáng kể: tăng 26 bậc so với năm 2012, xếp 32/63 tỉnh thành phố. Với những chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của tỉnh, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 Hà Nam sẽ vào tốp 20 về chỉ số PCI sẽ thành hiện thực./.