Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Định hướng, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân KCN

Tin tức – Sự kiện  
Định hướng, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân KCN
Trong những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội nước ta đã đạt được trong thời gian qua có sự đóng góp rất lớn của khoảng 2,6 triệu công nhân lao động trực tiếp đang làm việc tại các KCN và hàng triệu công nhân, lao động tại nhiều xí nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc các cụm công nghiệp vừa và nhỏ. Các KCN tạo ra một lượng công ăn việc làm góp phần giải quyết có hiệu quả công tác xoá đói giảm nghèo, giảm nạn thất nghiệp, góp phần đào tạo đội ngũ công nhân mới, có trình độ kỹ thuật, kỷ luật cao. Đặc biệt, tuổi bình quân của công nhân nước ta nhìn chung thuộc diện trẻ, nhóm công nhân từ 18-30 tuổi chiếm 36,4%, trong các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài công nhân dưới 25 tuổi chiếm 43,4%, từ 26-35 tuổi chiếm 34,7%, từ 36-45 tuổi chiếm 14%. Do vậy, việc bảo đảm cho công nhân KCN có đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, đòi hỏi phải có sự quan tâm giải quyết của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cũng như của các doanh nghiệp trực tiếp quản lý công nhân lao động.

 Tình hình thu nhập và thực trạng nhà ở cho công nhân tại các KCN

Mức lương của người lao động hiện nay về cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của bản thân và gia đình họ. Mặc dù, Nhà nước đã triển khai từng bước thực hiện lộ trình tăng lương tối thiểu, thậm chí có quy định về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm ở các loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức tăng thường không theo kịp tốc độ tăng giá của thị trường. Trong khi đó, phần lớn các chủ doanh nghiệp vẫn đang lấy mức lương tối thiểu để trả lương cho người lao động mà chưa thật sự quan tâm đến việc xây dựng thang, bảng lương. Ngoài ra, một số chủ doanh nghiệp còn bớt một phần lương của người lao động để chi cho các khoản phụ cấp như ăn trưa, tiền hỗ trợ đi lại, tiền thưởng. Kết quả cuộc khảo sát về đời sống công nhân do Viện Công nhân - Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiến hành năm 2015 tại 10 tỉnh/thành phố trên cả nước đã chỉ ra rất rõ thực trạng này. Theo đó, mức lương trung bình của công nhân được trả hiện nay là gần 4 triệu đồng/người/tháng. Dù đã cải thiện khoảng 10% so với năm 2014 song mức lương này mới chỉ đáp ứng được 78-83% nhu cầu chi tiêu cơ bản của người lao động như ăn, mặc, thuê nhà trọ, đóng bảo hiểm xã hội, phương tiện đi lại và một số nhu cầu thiết yếu khác. Nhìn chung, thu nhập của công nhân tại các KCN tập trung còn thấp.

Xây dựng nhà ở và các công trình tiện ích khác cho công nhân các KCN là động lực để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp

Thực tế hiện nay tại các KCN mới chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân lao động có chỗ ở ổn định, số còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm. Đa số công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các KCN trên cả nước đều phải thuê nhà trọ của người dân với giá thuê từ 300.000 - 400.000 đồng/người/tháng. Các phòng trọ thuê của tư nhân hầu hết đều rất chật hẹp (diện tích sử dụng bình quân từ 2-3m2/người), điều kiện vệ sinh, môi trường cũng như hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo. Hầu hết các khu nhà trọ cho công nhân KCN thuê đều thiếu các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu (nhà trẻ, trường học, trạm y tế, khu vui chơi, giải trí, khu luyện tập thể thao, thư viện...).

Mức thu nhập bình quân hàng tháng còn thấp, chỗ ở tạm bợ, không bảo đảm điều kiện sống tối thiểu đã gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, đời sống của công nhân tại các KCN và tình hình trật tự, an toàn xã hội. Chính vì vậy, việc giải quyết chỗ ở ổn định cho công nhân lao động tại các KCN là rất cấp bách và cần thiết.

Một số nguyên nhân, tồn tại trong việc giải quyết nhà ở cho công nhân KCN

Ngay từ năm 2005, Luật Nhà ở đã quy định Nhà nước trực tiếp đầu tư và có các cơ chế, chính sách để khuyến khích các tổ chức, cá nhân các thành phần kinh tế tham gia phát triển quỹ nhà ở xã hội để cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và công nhân lao động tại các KCN thuê, thuê mua. Tuy nhiên, trong thời gian sau đó việc phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp nói chung và cho công nhân nói riêng thuê, thuê mua theo quy định của Luật nhà ở chưa đạt được nhiều kết quả, do các nguyên nhân chủ quan và khách quan: (1) Nhà nước chưa có đủ nguồn lực tài chính để tập trung vốn đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội, kể cả nhà ở công nhân KCN; (2) việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đòi hỏi nguồn vốn lớn, nếu chỉ cho thuê, thuê mua thì thời gian thu hồi vốn rất dài, khả năng sinh lợi thấp; (3) Nhà nước chưa có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ về tín dụng, thuế... đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào việc phát triển nhà ở cho công nhân KCN...

Kết quả thực hiện, nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân tại các KCN

Trong những năm vừa qua, việc phát triển nhà ở xã hội nói chung và nhà ở cho công nhân nói riêng đã được đẩy mạnh, đặc biệt từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước hình thành khoản cho vay từ nguồn tái cấp vốn 30.000 tỷ đồng để cho vay ưu đãi đối với lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở có diện tích vừa phải giá thấp, đến nay đã có khoảng 60 nghìn hộ gia đình (trong đó có nhiều hộ gia đình công nhân) sớm được giải quyết chỗ ở.

Đến thời điểm hiện nay có 87 dự án nhà ở xã hội cho công nhân đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng, với quy mô xây dựng khoảng 28.800 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 6.800 tỷ đồng; 64 dự án nhà ở xã hội cho công nhân KCN đang tiếp tục được triển khai với quy mô xây dựng khoảng 69.300 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 18.800 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở xã hội có quy mô rất lớn dành cho công nhân như Tổng công ty Becamex Bình Dương với trên 60 nghìn căn hộ, Tổng công ty IDICO ở Đồng Nai với hơn 10.000 căn hộ...

Chủ trương phát triển nhà ở xã hội cho công nhân KCN đã nhận được sự đồng thuận cao của các tổ chức, cơ quan Trung ương và chính quyền các địa phương cũng như các tầng lớp dân cư trong xã hội.

Theo quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21/8/2006, thì đến năm 2020 tổng số công nhân, lao động tại các KCN đạt khoảng 7,2 triệu người. Số công nhân, lao động tại các KCN cả nước có nhu cầu về chỗ ở đến năm 2020 là khoảng 4,2 triệu người, tương đương khoảng 33,6 triệu m2 nhà ở. Như vậy, so với kết quả đã đạt được thì nhu cầu cần đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động tại các KCN còn rất lớn. Ngoài ra nhu cầu về nhà ở cho công nhân và người lao động tại các cụm công nghiệp vừa và nhỏ cũng như các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất ngoài KCN tại các đô thị, đặc biệt là các thành phố lớn (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…) cũng rất cần được quan tâm giải quyết.

Định hướng chính sách phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại các KCN

Ngày 30/11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2127/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong đó nêu rõ quan điểm, định hướng giải quyết nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất, dịch vụ ngoài KCN. Theo đó, để giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân, đặc biệt là nhà ở cho các nhóm đối tượng chính sách xã hội thì không chỉ trông chờ vào Nhà nước mà phải kết hợp trách nhiệm của cả Nhà nước, của xã hội và bản thân người dân thì mới có thể giải quyết được. Nhà nước chủ động tham gia đầu tư phát triển nhà ở cho thuê; đồng thời có chính sách ưu đãi về đất đai, quy hoạch, thuế, tài chính - tín dụng để khuyến khích các thành phần kinh tế, gồm: doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, doanh nghiệp sử dụng lao động trong các KCN, các cơ sở công nghiệp, dịch vụ ngoài KCN, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, các hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê hoặc cho thuê mua đối với các hộ gia đình, cá nhân là công nhân lao động tại các KCN.

Chiến lược cũng đề ra các chỉ tiêu cần đạt được trong giai đoạn 2016-2020 là thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị, đáp ứng cho khoảng 80% số sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và khoảng 70% công nhân lao động tại các KCN có nhu cầu được giải quyết chỗ ở.

Để đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhà ở, ngày 25/11/2014 Quốc hội đã thống nhất ban hành Luật Nhà ở năm 2014 để thay thế cho Luật Nhà ở năm 2005. Trong Luật Nhà ở năm 2014, các cơ chế, chính sách phát triển nhà ở nói chung và chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội nói riêng đã được Luật hóa, đã đưa ra các giải pháp toàn diện, đồng bộ, lâu dài để giải quyết một cách căn bản nhu cầu nhà ở cho 8 nhóm đối tượng có khó khăn về nhà ở, trong đó có công nhân tại các KCN tập trung, bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng. Triển khai Luật Nhà ở năm 2014, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã có các quy định tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế trong nước, nước ngoài và các hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư phát triển các loại nhà ở xã hội, trong đó có các quy định rất ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội nói chung và nhà ở xã hội cho công nhân KCN nói riêng, cụ thể như:

- Được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (kể cả quỹ đất để xây dựng các công trình kinh doanh thương mại trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội) để giảm chi phí đầu tư nhà ở xã hội;

- Được áp dụng thuế suất thuế VAT là 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% (trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được giảm 70% thuế suất thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp);

- Được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam (trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được vay vốn ưu đãi đầu tư với thời hạn tối thiểu là 15 năm và tối đa không quá 20 năm);

- Được UBND cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội (trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí này);

- Và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật (được miễn thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở đối với trường hợp dự án áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình nhà ở xã hội do cơ quan có thẩm quyền ban hành, được áp dụng hình thức tự thực hiện đối với công tác tư vấn, thi công xây lắp...)...

Ngoài ra, trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất công nghiệp, dịch vụ trong KCN tự mua nhà, thuê nhà hoặc tự đầu tư xây dựng nhà ở để bố trí cho người lao động của doanh nghiệp mình ở mà không thu tiền thuê nhà hoặc có thu tiền thuê nhà với giá thuê không vượt quá giá thuê nhà ở xã hội do UBND cấp tỉnh ban hành thì doanh nghiệp này còn được tính chi phí xây dựng nhà ở vào giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi với số lượng lên tới 80%, lãi suất cho vay tối đa chỉ bằng 50% so với lãi suất vay thương mại, thời hạn vay tối thiểu là 15 năm…

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là các mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại các KCN, trong giai đoạn 2016-2020 cần tập trung triển khai tốt một số giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại KCN, đặc biệt là kế hoạch trung hạn về nguồn vốn từ ngân sách để cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng triển khai cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Cho phép bổ sung lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội là lĩnh vực ưu tiên được sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi khác bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Nhà ở.

Hai là, quy hoạch phát triển KCN phải bao gồm quy hoạch trong và ngoài KCN, phải gắn kết KCN với khu đô thị có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở cho công nhân lao động. Đặc biệt, những KCN mới được hình thành nhất thiết phải có quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân. Đối với các KCN đã hình thành mà chưa có quỹ đất để phát triển nhà ở cho công nhân cần điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để có đất xây dựng nhà ở cho công nhân, xây dựng công trình phúc lợi phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người lao động tại các KCN.

Ba là, tiếp tục thực hiện cải cách chế độ tiền lương, bảo đảm có tiền nhà ở trong cơ cấu tiền lương với tỷ lệ hợp lý để công nhân có khả năng tạo lập nhà ở; có cơ chế để nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động cùng chăm lo nhà ở với người lao động, nhất là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Bốn là, các địa phương cần đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ của địa phương; tạo điều kiện rút ngắn thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án phát triển nhà ở xã hội, kể cả các dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội và dự án điều chỉnh cơ cấu căn hộ thương mại để đáp ứng nguồn cung về nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô nhỏ; triển khai các biện pháp khuyến khích các thành phần kinh tế trên phạm vi địa bàn tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Phát triển nhà xã hội trong đó có nhà ở cho công nhân, người lao động tại KCN đồng thời với việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở là chính sách đa mục tiêu mà người dân, doanh nghiệp và Nhà nước đều hưởng lợi: người dân có nhà, doanh nghiệp và người lao động có việc làm, thu nhập, ổn định đời sống, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.