Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xuân sớm trên các khu công nghiệp

Tin tức – Sự kiện  
Xuân sớm trên các khu công nghiệp
Trao đổi nhanh với chúng tôi, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy chia sẻ, năm 2020 là một dấu mốc quan trọng đối với ngành công nghiệp tỉnh Hà Nam. Bởi lẽ, đây là năm cán đích của 8 khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, với tổng diện tích đến năm 2020 là 2.534ha. Hà Nam hứa hẹn sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng tăng của các nhà đầu tư trong thời gian tới.

 

Xuân sớm trên các khu công nghiệp 

Những con số báo Xuân sớm

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tính đến thời điểm này, tổng diện tích đất KCN của Hà Nam đã thực hiện giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng và hoạt động là 2.034ha. Trong đó, diện tích đất công nghiệp là 1.476ha, đã giao cho các doanh nghiệp 971ha. Đây là minh chứng sinh động nhất cho việc Hà Nam thực hiện mạnh mẽ cam kết đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Hà Nam đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Trưởng Ban Quản lý các KCN Trần Văn Kiên cho biết, cùng với việc nỗ lực triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của các KCN, từ đầu năm 2019 đến nay, Ban Quản lý các KCN tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính và đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp. Hoạt động thu hút đầu tư và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2019 tại các KCN trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực cả về số lượng dự án và vốn đầu tư đăng ký. Hà Nam hiện có 8 KCN, gồm: Đồng Văn I, Đồng Văn II, Đồng Văn III, Đồng Văn IV, Châu Sơn, Hòa Mạc, Thái Hà, Thanh Liêm.

Ông Kiên không giấu được sự phấn khởi: Tính đến giữa tháng 12/2019, các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 67 dự án, trong đó có 50 dự án FDI và 17 dự án trong nước; điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 45 lượt dự án. Tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm là 753,85 triệu USD và 3.604,09 tỷ đồng. Lũy kế đến 13/12/2019, tại các KCN có 411 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 250 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 3.246,23 triệu USD và 161 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký là 29.713,4 tỷ đồng. Đây là những con số vượt bậc trong đầu tư công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, các dự án đầu tư trong các KCN nhìn chung đều có tính khả thi cao, chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án bảo đảm theo tiến độ đăng ký, sử dụng đất hiệu quả. Năm 2019, tại các KCN trên địa bàn tỉnh, đã có 58 dự án mới đi vào hoạt động sản xuất, tạo việc làm mới cho gần 6.879 lao động, nâng tổng số lao động làm việc trong các KCN lên thành 70.993 lao động. Như vậy, đến giữa tháng 12/2019, trong số 411 dự án còn hiệu lực, đã có 333 dự án đầu tư đi vào hoạt động sản xuất, còn lại 78 dự án đang tiến hành đầu tư xây dựng. Lũy kế đến hết năm 2019, số vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp trong nước là 18.778,87 tỷ đồng (đạt 63,5% tổng vốn đầu tư trong nước đăng ký) và 2.140,2 triệu USD đối với doanh nghiệp FDI (đạt 65,9% tổng vốn đầu tư FDI đăng ký).

Những số liệu đầu tư báo Xuân sớm không chỉ làm nức lòng các nhà quản lý, mà còn mang lại một năm ấm no cho các lao động trong các KCN.

Doanh nghiệp thành công, người lao động hạnh phúc

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn KCN hiện có 326 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, trong đó có 124 doanh nghiệp trong nước, 202 doanh nghiệp FDI.

Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngày càng được cải thiện, thể hiện bằng các chỉ tiêu kinh tế như giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu, việc làm và đặc biệt là đóng góp ngân sách. Thu ngân sách của các doanh nghiệp trong KCN trong những năm qua có sự tăng trưởng rõ rệt, cụ thể, năm 2016 mới đạt 1.520 tỷ đồng, năm 2017 đạt 2.318 tỷ đồng, đến năm 2019 đã đạt 3.800 tỷ đồng, tăng 14,9% so với năm 2018 (chiếm 41,3% so với tổng thu ngân sách dự kiến toàn tỉnh là 9.200 tỷ đồng); Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2019 đạt 150%, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2016-2019 đạt 36,6%.

Hà Nam cũng đặc biệt chú trọng công tác thu hút đầu tư, nhất là các doanh nghiệp FDI. Thường xuyên chú trọng thực hiện công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, đồng hành cùng doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện phương châm chuyển từ nền hành chính công vụ sang nền hành chính phục vụ. Thủ tục hành chính được thực hiện theo cơ chế “một cửa” nên đã rút ngắn thời gian hơn so với quy định, tạo điều kiện thuận lợi, công khai, minh bạch cho nhà đầu tư. Đối với các nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư và triển khai thực hiện dự án đều được hỗ trợ kịp thời, tư vấn về các cơ chế, chính sách, những lợi thế, thuận lợi khi thực hiện đầu tư tại tỉnh Hà Nam.

Công tác an ninh, trật tự trong KCN được duy trì, đảm bảo an toàn cho người và tài sản, không xảy ra hiện tượng gây rối, mất trật tự trong KCN. Nhờ vậy, không chỉ doanh nghiệp mà mỗi người lao động đều yên tâm, hạnh phúc trong lao động.

Chị Nguyễn Thị Vy, một công nhân làm việc tại KCN Đồng Văn I cho biết: “Tôi làm việc tại đây đã được 3 năm và cảm thấy vô cùng yên tâm. Lãnh đạo công ty rất quan tâm đến đời sống người lao động. Các chế độ phúc lợi được chi trả đầy đủ. Công ty gần nhà nên tôi đi làm rất thuận tiện, thoải mái. Trong công ty, các bạn đồng nghiệp ở các tỉnh lân cận như Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình cũng rất hạnh phúc. Cứ nói đơn giản như cái Tết cận kề, ngay từ khi còn cách Tết âm lịch cả tháng, chúng tôi đã hoan hỉ vì các khoản chi trả và lo Tết cho người lao động của công ty”.

Anh Trần Văn Hào, công nhân KCN Hòa Mạc cũng chia sẻ: “Nhà tôi gần sát KCN nên điều kiện đi làm rất thuận lợi. Không chỉ riêng năm nay mà năm nào cũng vậy, lãnh đạo công ty đều công khai các khoản lo Tết cho người lao động ngay từ những ngày cuối tháng 12. Do vậy, chúng tôi rất yên tâm, hạnh phúc”.

Chia tay các anh chị công nhân, chúng tôi thấy vui lây niềm vui của người lao động trên các KCN Hà Nam.

Ông Trần Văn Kiên cũng nhấn mạnh, ngay từ những ngày đầu năm 2020, vui Xuân, nhưng các cán bộ của Ban Quản lý các KCN của tỉnh không quên nhiệm vụ chủ động phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan, xây dựng đề án điều chỉnh các KCN đến năm 2025. Tiếp tục chủ động tiếp xúc, liên hệ và làm việc với các nhà đầu tư có tiềm năng, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản để vận động, kêu gọi thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức các buổi tiếp xúc trực tiếp với các nhà đầu tư lớn trong nước để mời gọi đầu tư…

Theo tổng hợp của Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam, giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong các KCN đạt 93.070 tỷ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 100,1% kế hoạch năm.

Thu ngân sách của các doanh nghiệp trong KCN đạt 3.800 tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ, đạt 108,6% kế hoạch năm, chiếm 41,3% so với tổng thu ngân sách dự kiến toàn tỉnh là 9.200 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu đạt 2.192 triệu USD, đạt 109,6% kế hoạch năm, tăng 13,2% so với cùng kỳ.

Sản lượng các sản phẩm sản xuất chủ yếu trong các KCN đều có sự tăng trưởng tốt, các sản phẩm mới đều đạt chỉ tiêu kế hoạch năm. Một số sản phẩm tiêu biểu như: Linh kiện, phụ tùng ô tô ước đạt 207% kế hoạch năm; sản phẩm nhựa ước đạt 141% kế hoạch năm; dược phẩm, mỹ phẩm ước đạt 125% kế hoạch năm…​