Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Một số nội dung về cải cách hành chính

Thông tin tuyên truyền, phổ biến  
Một số nội dung về cải cách hành chính
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 169/TB-VPCP ngày 05/5/2023 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; Thông báo số 252/TB-VPCP ngày 29/6/2023 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp công tác cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả tư vấn chính sách cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Để triển khai, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số nội dung về cải cách hành chính sau đây:

1.   Tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nội dung cải cách hành chính theo Nghị quyết số 17/NQ-TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là hiện đại hóa nền hành chính, hướng đến xây dựng chính quyền số, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 1578/QĐ-UBND ngày 06/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Hà Nam, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công và sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trong thời gian tới. Rà soát, có các giải pháp quyết liệt để triển khai, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch cải cách hành chính năm 2023 của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.​

2.   Căn cứ vào chỉ số Cải cách hành chính năm 2022, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022 của tỉnh đã được Bộ Nội vụ công bố ngày 19/4/2023, các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức rà soát, phân tích, đánh giá, xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, nguyên nhân, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong triển khai nhiệm vụ được giao để có giải pháp cải thiện các chỉ số trong thời gian tới. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, kết quả các chỉ số tới đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân, tổ chức để nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm và sự đồng thuận xã hội đối với công tác cải cách hành chính. Có hình thức khen thưởng phù hợp đối với cá nhân tổ chức đạt thành tích tốt trong việc tham mưu thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính.

3.   Các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương, quyết liệt thực hiện rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, thủ tục hành chính (bao gồm cả thủ tục hành chính nội bộ và phân cấp, ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính) liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân. Chủ động thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính gắn với triển khai Đề án 06 và Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

4.   Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động đề xuất, trong đó phải đưa ra những chỉ tiêu cắt giảm cụ thể đối với các thủ tục hành chính, bảo đảm khả thi, hiệu quả, tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời bảo đảm các chỉ tiêu được đề ra tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025; Quyết định số 1085/QĐ-TTg và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai đề án “phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025", tầm nhìn đến năm 2030.
 

5.   Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm và công bố công khai các cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan đơn vị để xảy ra chậm trễ, gây phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính. Rà soát, đánh giá cụ thể về tình trạng công chức, viên chức, thôi việc, bỏ việc để có giải pháp xử lý phù hợp; kịp thời xử lý, ngăn chặn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ, nhiệm vụ; nghiên cứu cơ chế, chính sách, các giải pháp phù hợp để khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung.