Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Các doanh nghiệp Hàn Quốc đóng góp quan trọng cho kinh tế của tỉnh

Tin tức – Sự kiện Tin nội bộ  
Các doanh nghiệp Hàn Quốc đóng góp quan trọng cho kinh tế của tỉnh
Hàn Quốc là quốc gia đứng đầu trong tổng số 12 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Hà Nam. Trong những năm qua, các doanh nghiệp của Hàn Quốc đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh và giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Tỉnh Hà Nam hiện có 131 dự án đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc (trong đó có 115 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, 16 dự án đang trong quá trình đầu tư xây dựng), với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 1 tỷ 545 triệu USD, chiếm 44,40% tổng số dự án FDI và 43,2% tổng vốn FDI đầu tư vào tỉnh. 

Dây chuyền sản xuất dây đồng kỹ thuật tại Công ty TNHH Đồng kỹ thuật  Korea Việt Nam (KCN Đồng Văn II, Duy Tiên).

Chỉ tính riêng năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp Hàn Quốc trong tỉnh đạt 22.629 tỷ đồng, chiếm 32,3% giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp FDI và chiếm 21,09% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đã đóng góp ngân sách gần 400 tỷ đồng, chiếm 14,5% tổng thu ngân sách của các doanh nghiệp FDI và chiếm 4,2% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh. Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp Hàn Quốc đạt 1 tỷ 242 triệu USD, chiếm 61,4% giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI và chiếm 35,73% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Một số doanh nghiệp Hàn Quốc có vốn đầu tư lớn, dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại và đóng góp tích cực cho giá trị công nghiệp của tỉnh như: Công ty TNHH KMW, Công ty Seoul Semiconductor, Công ty TNHH ACE Antenna Việt Nam, Công ty Anam Electronics. 

Ông Lee Young Min, Giám đốc Công ty TNHH Hankook Al Tec Vina (KCN Đồng Văn I) cho biết: Doanh nghiệp chúng tôi chuyên sản xuất linh kiện điện tử. Điều khiến những nhà đầu tư Hàn Quốc quyết định chọn Hà Nam để triển khai dự án đó là tỉnh có nhiều chính sách ưu đãi, môi trường đầu tư thông thoáng, chính quyền cởi mở, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Trong hơn 5 năm qua, công ty đã được các ngành quan tâm giải quyết một số khó khăn như hỗ trợ tuyển dụng lao động; đầu tư cải tạo lưới điện, nâng cao chất lượng nguồn điện phục vụ sản xuất; bảo đảm an ninh trật tự; tháo gỡ về thủ tục hành chính. 

Đặc biệt, trong quá trình sản xuất doanh nghiệp luôn nhận được sự giúp đỡ kịp thời của UBND tỉnh Hà Nam, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh. Môi trường thu hút đầu tư ở Hà Nam có nhiều điểm vượt trội như nguồn lao động dồi dào, chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp nên công ty quyết định đầu tư phát triển ở Hà Nam là hoàn toàn đúng đắn. Nhận thấy môi trường đầu tư an toàn, thuận lợi, hiện công ty đã xây dựng xong nhà máy số 02 cũng tại KCN Đồng Văn I  và hoạt động rất ổn định.

Theo đánh giá của các ngành chức năng, đóng góp của nhóm doanh nghiệp Hàn Quốc đối với sự phát triển của các KCN là không nhỏ, chỉ đứng sau nhóm doanh nghiệp Nhật Bản. Ông Trần Văn Kiên, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh cho biết: Ngay từ đầu xây dựng các KCN, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã nghiên cứu, tìm hiểu môi trường và quyết định đầu tư ở Hà Nam. Thời gian đầu đa phần các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh thuộc nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, với nhiều ngành nghề khác nhau như mỹ ký, điện, điện tử. Sau đó có một số doanh nghiệp có quy mô, suất đầu tư lớn như Công ty TNHH Seoul Semiconductor, Ace Antenna, KMW,… đã chọn Hà Nam làm điểm dừng chân. Đến thời điểm này, các KCN của tỉnh ngày càng được nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm đầu tư. Đây là hiệu ứng của chính các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư vào tỉnh giới thiệu với các nhà đầu tư mới quan tâm tìm hiểu môi trường đầu tư ở Hà Nam.

Thực tế cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Hà Nam đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật, hoạt động tương đối hiệu quả. Cụ thể, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã chấp hành đầy đủ các cam kết về đầu tư góp vốn, xây dựng nhà xưởng theo quy hoạch, đúng tiến độ được phê duyệt; thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường tại doanh nghiệp, luôn bảo đảm chính sách tốt nhất cho người lao động; thường xuyên quan tâm đến chế độ chính sách cho người lao động và các hoạt động của tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp; tạo điều kiện để các tổ chức công đoàn tích cực tham gia nhiều hoạt động vui chơi giải trí cho công nhân lao động.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong những năm qua tại các KCN có một số doanh nghiệp ở Hàn Quốc còn bị ảnh hưởng bởi thị trường tiêu thụ sản phẩm nên có những thời điểm gặp khó khăn, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, nhiều nhà đầu tư của Hàn Quốc gặp khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát. Trước tình trạng này, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã rà soát, nắm bắt kịp thời những khó khăn từ phía các doanh nghiệp, có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp phòng, chống dịch bệnh và kịp thời tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là tạo môi trường đầu tư thân thiện, an toàn, minh bạch để các doanh nghiệp an tâm sản xuất kinh doanh tại tỉnh. Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành địa phương trong tỉnh luôn hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong suốt quá trình sản xuất kinh doanh tại Hà Nam. 

Cụ thể, UBND tỉnh duy trì và thực hiện nghiêm 10 cam kết của tỉnh với các nhà đầu tư; quan tâm công tác đào tạo nghề tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp; nâng cao chất lượng các dịch vụ (điện, nước sạch, nước thải, an toàn giao thông...) cung cấp cho các doanh nghiệp; lắng nghe và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp. 

Năm 2019, tỉnh Hà Nam đã triển khai xây dựng KCN Đồng Văn III giai đoạn 2, KCN Châu Sơn mở rộng, KCN Thanh Liêm giai đoạn 2, KCN Thái Hà đang triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng, các nhà đầu tư trên thế giới lựa chọn Hà Nam làm điểm dừng chân.