Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Lo Tết cho người lao động

Thông tin chuyên ngành Quản lý hoạt động các Doanh nghiệp  
Lo Tết cho người lao động
Mặc dù còn khoảng 2 tháng nữa mới đến Tết cổ truyền của dân tộc nhưng ngay từ bây giờ nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch thưởng Tết cho người lao động. Với các chủ doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh còn khó khăn, song việc bảo đảm tiền lương và thưởng Tết đối với người lao động có ý nghĩa quan trọng, đó không chỉ là trách nhiệm mà sâu xa hơn cả là chiến lược trong việc dùng người nhằm tạo ra môi trường làm việc năng suất, chất lượng, hiệu quả thông qua việc chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân viên.

Mới đầu tháng 12/2014, Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Nam đã tổ chức họp ban giám đốc, trưởng phòng hành chính, kế toán và các phòng ban chức năng để cân đối thu, chi và xây dựng kế hoạch thưởng tết Nguyên đán Ất Mùi trong toàn đơn vị. Ông Bùi Ngọc Hoàn - Giám đốc Công ty chia sẻ: Mặc dù có tới hơn 200 công nhân, song những năm trước vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, công ty bao giờ cũng thưởng tết cho người lao động thêm một tháng lương (gọi là tháng lương thứ 13). Bước sang năm 2014, doanh nghiệp vẫn duy trì liên kết sản xuất được hơn 100 mặt hàng dược phẩm, hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh bảo đảm lương bình quân cho người lao động hơn 3,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2014, do đơn vị mới thực hiện việc đầu tư xây dựng nhà xưởng tại Khu công nghiệp Châu Sơn trị giá hơn 40 tỷ đồng nên việc cân đối nguồn thưởng Tết cho người lao động sẽ không được như những năm trước.

Giống như Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Nam, đến thời điểm này hầu hết các doanh nghiệp cũng đã và đang cân đối nguồn để thưởng Tết cho người lao động. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp còn chủ động xây dựng nguồn thưởng Tết ngay từ đầu năm theo từng tháng trích từ lãi của sản phẩm, sau đó lấy quỹ thưởng Tết tái đầu tư sản xuất, cuối năm trả cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp động viên người lao động bằng hình thức thưởng lương tháng thứ 13, tháng lương thứ 14. Ông Trịnh Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm Phát triển Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) Cầu Giát cho biết: Cụm CN - TTCN Cầu Giát hiện thu hút được 1.350 lao động vào làm việc, bình quân lương của người lao động đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều doanh nghiệp trong cụm có chính sách quan tâm đến người lao động khá tốt, với mục đích giữ chân người lao động tạo ra môi trường làm việc hấp dẫn để tiếp tục thu hút lao động vào làm việc. Điển hình như Công ty TNHH May mặc Kinh Bắc thường xuyên giải quyết việc làm cho khoảng 900 lao động tại xưởng may ở Cụm CN - TTCN Cầu Giát và 2 xưởng may tại xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý) và xã An Mỹ (Bình Lục). Mặc dù sử dụng nhiều lao động song hàng năm công ty đều trích một phần lợi nhuận để thưởng tết Nguyên đán cho người lao động, tương đương với một tháng lương. Nhờ các chính sách quan tâm đến người lao động trong cả năm, cũng như các ngày lễ, Tết nên sau những dịp nghỉ tết Nguyên đán, lao động của công ty giảm rất ít, thậm chí có những năm còn tăng lên do lao động ở nơi khác xin vào làm việc. Theo kế hoạch, trong năm nay công ty phấn đấu thưởng tết Nguyên đán cho người lao động thêm một tháng lương. Công ty Cổ phần Thời trang Gen Việt ở Cụm CN - TTCN Cầu Giát chuyên may quần áo xuất khẩu, những năm trước thưởng cho công nhân tháng lương thứ 13 và 14 để giữ chân người  lao động làm việc. Theo kế hoạch, tết Nguyên đán năm nay công ty phấn đấu giữ được mức như mọi năm.

Bà Lại Thị Thúy Phương - Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Công ty TNHH Dệt Hà Nam chia sẻ: Để giữ chân người lao động, công ty đã xây dựng chính sách quan tâm đến người lao động bằng cách nâng lương, trả thêm tháng lương thứ 13, tháng lương thứ 14 trong dịp tết Nguyên đán. Nếu người lao động làm việc tròn 12 tháng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được hưởng tháng lương thứ 13, còn lao động làm tròn 5 năm liên tục trở lên được hưởng tháng lương thứ 14. Công ty TNHH Dệt Hà Nam đang giải quyết việc làm cho 1.000 lao động với mức lương bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra người lao động còn được hỗ trợ ăn ca. Với chính sách trên, trong nhiều năm qua sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, công nhân của Công ty TNHH Dệt Hà Nam không bị biến động nhiều.

Ông Lê Hồng Quân - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có 6.023 cán bộ, công nhân lao động làm việc ở hơn 2.000 doanh nghiệp, trong đó mới có 348 doanh nghiệp ngoài nhà nước có tổ chức công đoàn cơ sở. Năm 2014, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về sản suất kinh doanh song tình hình lao động trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, hầu hết các doanh nghiệp vẫn duy trì được việc làm cho người lao động với mức thu nhập bình quân từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.Từ tháng 12, nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng nguồn để thưởng Tết cho người lao động, trong đó các doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết cho người lao động theo 3 mức: Mức một, thưởng cho người lao động thêm tháng lương thứ 13 và 14; mức 2, lao động được thưởng Tết từ 1- 1,5 triệu đồng; mức ba, đối với những đơn vị quá khó khăn người lao động chỉ được nhận quà Tết trị giá 200 - 500 nghìn đồng. Trong 3 mức trên, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phấn đấu thưởng Tết cho người lao động tháng lương thứ 13 nhằm động viên và giữ chân người lao động sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán dài ngày. Hiện Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo tổ chức công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp phát huy vai trò tham mưu, làm tốt việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, nhất là trong dịp Tết đến Xuân về./.