Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển

Thông tin chuyên ngành Quản lý hoạt động các Doanh nghiệp  
Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Nam thành lập ngày 15/10/2013, sau một năm xây dựng và phát triển, Hiệp hội đã thu hút hơn 200 doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề sản xuất kinh doanh tham gia hoạt động. Với tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, Hiệp hội đã thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích: Hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh, tìm kiếm đối tác, tìm kiếm thị trường, tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng cơ chế tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, hoạch định chiến lược thu hút đầu tư và định hướng phát triển doanh nghiệp…

  Ông Đinh Văn Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Ngay từ khi thành lập, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã chủ động xây dựng, triển khai thực hiện nhiệm vụ cho từng tháng, từng quý. Năm 2014, Hiệp hội tập trung thực hiện tốt 5 nhiệm vụ nổi bật:

Thứ nhất, Hiệp hội tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp đoàn kết, chung tay giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách. Tại đêm hội “Đón tết Giáp Ngọ cùng người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” do Hiệp hội tổ chức đã quyên góp được 1,6 tỷ đồng, hỗ trợ cho hơn 4.000 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách nạn nhân chất độc da cam.

Thứ hai, xây dựng “Chương trình cà phê doanh nhân” (hai tháng tổ chức một lần) tạo điều kiện cho đội ngũ doanh nhân có dịp gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ, hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất kinh doanh. Trong “Chương trình cà phê doanh nhân” Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh còn mời các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý uy tín trong nước trực tiếp về trao đổi, phổ biến thông tin kinh tế mới nhất trong và ngoài nước, những kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, chiến lược phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp của Nhà nước.

Thứ ba, Hiệp hội phối hợp với Đoàn Luật sư Hà Nam cam kết: thứ 4 hằng tuần trực tiếp tư vấn pháp lý miễn phí cho các doanh nghiệp. Thông qua chương trình liên kết với Đoàn Luật sư tỉnh, các doanh nghiệp được bổ sung kiến thức pháp lý cần thiết, sát thực, kịp thời, chủ động vận dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, quản lý doanh nghiệp.

Thứ tư, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hiệp hội đã tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp, gửi phiếu điều tra tới hội viên, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để thu thập thông tin về tình hình hoạt động cùng những đề xuất, kiến nghị. Những ý kiến tâm huyết của doanh nhân về môi trường thu hút đầu tư, chiến lược phát triển doanh nghiệp, những vướng mắc khó khăn cần tháo gỡ… được Hiệp hội tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Nhiều doanh nghiệp đánh giá cao cải cách thủ tục hành chính của UBND tỉnh và các ngành khi hướng tới nền hành chính từ quản lý sang phục vụ, hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng thẳng thắn chỉ rõ: việc tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng thương mại còn gặp nhiều khó khăn; nợ đọng đầu tư công còn nhiều; giá tính thuế, phí khi khai thác tài nguyên, khoáng sản còn cao; sản phẩm làm ra bị ứ đọng… UBND tỉnh cần có chính sách ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng các hình thức như: Hỗ trợ hạ tầng cơ sở, mặt bằng kinh doanh, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn; hỗ trợ đào tạo nghề; hỗ trợ quảng bá sản phẩm, thị trường tiêu thụ. Tại Khu Công nghiệp (KCN) Châu Sơn, Cụm Công nghiệp phía Tây Nam thành phố Phủ Lý, các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động nhiều năm nay nhưng còn thiếu tên đường dẫn tới việc khách hàng và nhà đầu tư khó khăn khi tìm doanh nghiệp. KCN Châu Sơn có quá nhiều doanh nghiệp may mặc dẫn tới tình trạng cạnh tranh về công nhân, thiếu trầm trọng lao động có tay nghề, đề nghị UBND tỉnh có định hướng quy hoạch, cấp phép cho các doanh nghiệp may mặc về địa phương để giảm bớt tình trạng thiếu nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp. KCN Đồng Văn, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp làng nghề, Nhà nước cần quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống thoát nước, hệ thống xử lý nước thải nhằm hạn chế tình trạng ngập lụt trong mùa mưa, bảo đảm môi trường cho các doanh nghiệp hoạt động. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đề nghị tỉnh cấp ngân sách thanh toán cho các công trình xây dựng cơ bản, công trình đã hoàn thành nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn kinh doanh và giảm hàng tồn kho cho doanh nghiệp. Trong điều kiện ngân sách khó khăn, giá nguyên vật liệu thiếu ổn định, chính sách tiền lương liên tục thay đổi và điều chỉnh, UBND tỉnh cho phép các dự án thanh toán theo hình thức điều chỉnh đơn giá theo thị trường. Trường hợp đầu tư trọn gói cho phép doanh nghiệp ứng vốn đầu tư xây dựng; việc kiểm soát xe quá tải đã khiến giá thành vật liệu  xây dựng tăng cao, đề nghị Nhà nước xem xét điều chỉnh giá vật liệu xây dựng theo giá thực tế thị trường. UBND tỉnh đã tiếp thu đầy đủ những ý kiến kiến nghị, đề xuất chính đáng của doanh nghiệp, chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp giải quyết.

Thứ năm, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tham mưu cho các bộ, ban, ngành và UBND tỉnh động viên khen thưởng kịp thời đối với những doanh nghiệp đóng góp tích cực cho phong trào của Hiệp hội và đóng góp vào sự phát triển chung của toàn xã hội.

Cũng theo ông Hồng, trong thời gian tới, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tập trung thu hút hội viên mới, hướng tới thành lập các chi nhánh trực thuộc hiệp hội ở các huyện và thành phố. Để thực hiện được nhiệm vụ này, Hiệp hội cần sự quan tâm hỗ trợ của cấp ủy chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp ở các địa phương.

Đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ, có phẩm chất, uy tín cao sẽ góp phần tích cực trong nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững, bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Xác định được tầm quan trọng đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa./.