PHẦN MỞ ĐẦU
Thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” theo tinh thần Quyết định số 93/2007/QĐ - TTg, ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi là Bộ phận một cửa); Ban quản lý các KCN tỉnh Hà Nam đã thành lập Bộ phận một cửa và chính thức đi vào hoạt động. Hoạt động của bộ phận một
cửa đã góp phần đẩy mạnh chương trình cải cách hành chính của Ban; giải quyết nhanh, gọn, thuận tiện, rõ ràng, đúng pháp luật về các thủ tục hành chính ở 4 lĩnh vực: Đầu tư; Xây dựng; Lao động và Môi trường đất đai. Tổng số thủ tục hành chính giải quyết hàng năm trung bình là trên 500 thủ tục/năm. Tại Bộ phận một cửa được bố trí 01 công chức làm việc; Cơ sở hiện có nơi làm việc của Bộ phận một cửa đảm bảo theo quy định. Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ cải cách hành chính trong thời gian tới thì hoạt động của bộ phận một cửa tại Ban quản lý các KCN tỉnh Hà Nam vẫn còn bộc lộ một số hạn chế:
- Mối quan hệ giữa bộ phận một cửa với các phòng, ban chuyên môn trong giải quyết công việc nhiều lúc thiếu chặt chẽ, chưa có sự ràng buộc cụ thể giữa trách nhiệm và kết quả giải quyết thủ tục hành chính có liên quan. Tính độc lập và chuyên trách trong hoạt động chưa đảm bảo; chất lượng, hiệu quả giao dịch một số lĩnh vực còn hạn chế.
- Cơ sở vật chất còn thiếu, trang thiết bị đã cũ và lạc hậu (hiện chưa có hệ thống phần mềm dùng chung trong giải quyết công việc), chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động của bộ phận một cửa và chương trình cải cách hành chính hiện nay.
Thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Chính phủ, thực hiện đơn giản hoá TTHC trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Trên cơ sở thực hiện Quyết định số 772/QĐ-UBND ngày 19/7/2013 của UBND tỉnh về việc ban hành Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2013 - 2020 trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Kế hoạch số 1838/KH-UBND ngày 16/10/2015 của UBND tỉnh về Cải cách hành chính 2015, thực hiện Quyết định số 14/2015/QĐ-UBND ngày 14 tháng 7 năm 2015 của UBND tỉnh Hà Nam về việc ban hành Quy định về tổ chức thực hiện công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Đây là một chủ trương đúng đắn nhằm nâng cao chất
lượng, hiệu quả dịch vụ hành chính công, đảm bảo công khai, minh bạch, rõ ràng, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch tại bộ phận một cửa; nâng cao vai trò trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước, các tổ chức và công dân.
Để góp phần đẩy mạnh hơn nữa chương trình cải cách hành chính của Ban quản lý các KCN tỉnh Hà Nam trong thời gian tới. Tôi mạnh dạn đưa ra sáng kiến “Giải pháp Nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tại Ban quản lý các KCN tỉnh Hà Nam” để giải quyết vấn đề nêu trên.
PHẦN NỘI DUNG CỦA SÁNG KIẾN
I. Thực trạng thực hiện cơ chế một cửa tại Văn phòng Ban quản lý các KCN tỉnh Hà Nam.
Với chức năng là cơ quan trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý đầu tư, phát triển và hoạt động đối với các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; hàng năm Ban quản lý các KCN tiếp nhận và xử lý hơn 500 hồ sơ thủ tục hành chính liên quan đến 4 lĩnh vực quản lý là Đầu tư; Xây dựng; Lao động và Môi trường đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban theo cơ chế 1 cửa, trong đó giải quyết sớm hạn và đúng hạn là 100%.
Theo sơ đồ nêu trên, cơ quan, tổ chức có nhu cầu thực hiện thủ tục hành chính nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ban, bộ phận này sẽ phân loại hồ sơ, vào sổ theo dõi và chuyển cho các phòng chuyên môn. Đội ngũ chuyên viên các phòng chuyên môn tiến hành nghiên cứu hồ sơ để có ý kiến tham mưu trình lãnh đạo Ban có ý kiến hoặc ký văn bản chuyển trở lại bộ phận Tiếp nhận – trả kết quả để bộ phận này thực hiện trả kết quả cho cơ quan, tổ chức theo quy định. Như vậy, hồ sơ của cơ quan, tổ chức trải qua 6 bước luân chuyển.
Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện tham mưu giải quyết các hồ sơ thủ tục theo cơ chế một cửa vẫn còn chậm, chưa phát huy hết hiệu quả. Việc triển khai còn gặp một số khó khăn, hạn chế, cụ thể:
- Hồ sơ giải quyết có nội dung còn thiếu, chưa hợp lý, phải chuyển trả về cơ quan, tổ chức để bổ sung => các cơ quan, tổ chức phải đi lại.
- Lịch công tác của lãnh đạo Ban nhiều, thường xuyên đi công tác, nên việc nghiên cứu xem xét, ký các loại giấy tờ thủ tục chưa chủ động, nhanh chóng.
- Cơ quan, tổ chức không thể theo dõi được hồ sơ thủ tục của đơn vị mình đang được giải quyết như thế nào? ở khâu nào?
II. Nội dung sáng kiến
1. Bản chất giải pháp mới.
Từ các vấn đề trên, tác giả đưa ra sáng kiến để giảm thời gian giải quyết các hồ sơ thủ tục một cửa nhưng vẫn đảm bảo tính chính xác, tiết kiệm như sau:
- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tiếp nhận hồ sơ thủ tục của các tổ chức, doanh nghiệp gửi đến (có thể qua mạng hoặc trực tiếp mang đến);
+ Trường hợp hồ sơ đầy đủ thủ tục theo quy định (hồ sơ hợp lệ); thì Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả sẽ gửi lại 1 phiếu biên nhận và hẹn trả kết quả theo đúng thời gian quy định;
+ Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, sẽ gửi 01 phiếu chuyển trả với lý do cụ thể và đề nghị bổ sung theo đúng quy định.
- Đối với trường hợp hồ sơ thủ tục hợp lệ, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phân loại hồ sơ, vào sổ theo dõi trên phần mềm và chuyển toàn bộ hồ sơ, đồng thời chuyển yêu cầu giải quyết thông qua phần mềm một cửa điện tử cho chuyên viên xử lý.
- Chuyên viên tiếp nhận và xử lý hồ sơ thủ tục trên máy vi tính và chuyển Lãnh đạo Ban xem xét trên mạng nội bộ (đồng thời ký chuyển đến Lãnh đạo trên phần mềm một cửa điện tử), nếu Lãnh đạo đồng ý thì in ra ký chuyển Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Ngoài ra, có thể áp dụng bằng chữ ký số khi đó chuyên viên chuyên môn chuyển cho Lãnh đạo, Lãnh đạo đồng ý ký bằng chữ ký số chuyển tiếp cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Đồng thời chuyển đã xử lý trên phần mềm một cửa điện tử.
- Đến đúng ngày hẹn hoặc tổ chức, doanh nghiệp có thể kiểm tra quá trình xử lý thủ tục của mình trên mạng internet đã xong trước thời hạn thì đến nhận kết quả.
2. Ưu, nhược điểm của giải pháp mới.
- Việc áp dụng công nghệ thông tin trong cải tiến quy trình tiếp nhận và giải quyết tục hành chính theo cơ chế một cửa đảm bảo thời gian của quy trình xử lý không bị quá hạn, hơn thế nữa, có thể rút ngắn thời gian giải quyết theo quy trình cũ.
- Việc giải quyết hồ sơ được công khai minh bạch, các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính, các cơ quan quản lý công tác cải cách hành chính có thể chủ động kiểm tra, theo dõi trên mạng Internet hồ sơ giải quyết ở bộ phận nào? Còn vướng mắc gì? thời gian giải quyết có đúng quy định không?
- Tiết kiệm thời gian đi lại của tổ chức, doanh nghiệp (có thể gửi hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính thông qua mạng).
- Tiết kiệm chi phí (đi lại, giấy tờ, in ấn…);
- Lãnh đạo Ban có thể chủ động về thời gian xử lý hoặc ký các hồ sơ thủ tục hành chính bất kỳ lúc nào, kể cả đang ở nhà hoặc đang đi công tác ngoài tỉnh thông qua phần mềm nội bộ và ứng dụng chữ ký số.
3. Đề xuất, kiến nghị.
Để ứng dụng có tính khả thi cao, mang lại hiệu quả, nâng cao chỉ số cải cách hành chính nhưng vẫn đảm bảo tính chính xác và tính bảo mật của hệ thống thì cần quan tâm:
- Đầu tư, nâng cấp hệ thống máy tính, đường truyền, xây dựng phần mềm xử lý văn bản nội bộ có kết nối Internet, ứng dụng chữ ký số trong thực hiện công việc.
- Củng cố Bộ phận Quản trị mạng để kiểm soát quy trình xử lý qua mạng và các vấn đề khác có liên quan; tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ tin học của đội ngũ cán bộ, công chức; đặc biệt là Lãnh đạo Ban phải thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết công việc.
PHẦN KẾT LUẬN
1. Ý nghĩa của gải pháp :
- Giảm thời gian, chi phí khi thực hiện các thủ tục hành chính.
- Việc thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính được công khai, minh bạch; các cơ quan, tổ chức có thể kiểm tra, giám sát quá trình giải quyết các thủ tục hành chính.
- Lãnh đạo Ban có thể chủ động giải quyết, xử lý công việc mọi lúc mọi nơi và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện công việc của các bộ phận chuyên môn.
2. Khả năng áp dụng:
- Sáng kiến này có thể áp dụng để thực hiện tại các Sở, Ban, ngành hoặc áp dụng phục vụ công tác quản trị tại các cơ quan, doanh nghiệp.
3. Kiến nghị, đề xuất:
Để áp dụng có hiệu quả cần sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo đơn vị, sự phối hợp chuyên môn của các đơn vị cung cấp ứng dụng phần mềm tin học, cung cấp dịch vụ viễn thông.
Trên đây là sáng kiến nhỏ của bản thân tôi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo sự chỉ đạo, điều hành của đơn vị. Rất mong được sự tham gia đóng góp của Hội đồng xét duyệt.
Xin trân trọng cảm ơn !