Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bảo đảm nguồn lao động cho các doanh nghiệp hoạt động ổn định

Thông tin chuyên ngành Quản lý hoạt động các Doanh nghiệp  
Bảo đảm nguồn lao động cho các doanh nghiệp hoạt động ổn định
Năm 2015, dự kiến có 57 dự án sản xuất công nghiệp ở cả trong và ngoài khu công nghiệp đi vào hoạt động (31 dự án FDI, 26 dự án trong nước) với tổng vốn đầu tư đăng ký 373,5 triệu USD và hơn 1.684,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 10.091 lao động.

Từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì và có bước phát triển mới. 05 tháng đầu năm 2015, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2014. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp đều tăng, trong đó có nhiều sản phẩm tăng khá: Thiết bị điện tử tăng 41,7%, thức ăn chăn nuôi tăng 19,3%, xi măng tăng 17,8%... Đặc biệt đối với các dự án mới cam kết đi vào hoạt động trong năm đã được các doanh nghiệp tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng; tiến độ đầu tư của các dự án cơ bản bảo đảm theo đúng kế hoạch đã đăng ký và cam kết với tỉnh. Trong năm 2015, có 57 dự án đăng ký đi vào hoạt động. Tính đến thời điểm này đã có 22 dự án chính thức đi vào sản xuất, trong đó có 12 dự án ở ngoài khu công nghiệp và 10 dự án trong khu công nghiệp; 11 dự án FDI, tổng vốn đăng ký đầu tư 35,1 triệu USD và 11 dự án trong nước với số vốn đăng ký đầu tư đạt 639,732 triệu đồng. Hầu hết các dự án đều có quy mô vừa và nhỏ. Nhiều dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh từ đầu năm 2015 đến nay đã có sản phẩm như: Công ty Cổ phần Sơn quốc tế Luxsen (Cụm CN - TTCN Bình Lục), Công ty Cổ phần Gạch bê tông khí công nghệ xanh (Cụm CN - TTCN Thanh Hải, Thanh Liêm), Công ty Dong Shin Coil (Hàn Quốc) sản xuất linh kiện điện tử tại xã Hoàng Đông (Duy Tiên), Công ty TNHH Vision tech Vina (Hàn Quốc) sản xuất linh kiện điện tử (Cụm CN - TTCN Thi Sơn, Kim Bảng)…

Theo ông Trần Xuân Dưỡng - Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, các doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào khu công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp của Nhật Bản và Hàn Quốc đã thực hiện đúng cam kết về tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất để đưa doanh nghiệp đi vào hoạt động đúng tiến độ. Ngay sau khi đi vào hoạt động, các doanh nghiệp đã từng bước ổn định sản xuất, thực hiện tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm mới cho lao động tại địa phương.

So với mọi năm, năm nay nhu cầu tuyển dụng lao động phục vụ cho việc mở rộng dây chuyền sản xuất và doanh nghiệp mới đi vào hoạt động tăng đáng kể. Chỉ tính riêng số lượng lao động cần tuyển của các doanh nghiệp đăng ký đi vào hoạt động năm 2015 đã lên đến con số hơn 10.000 người. Đây là tín hiệu vui cho lao động chưa có việc làm. Theo tìm hiểu của phóng viên thì mức thu nhập, chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động không thua kém gì so với doanh nghiệp ở các địa phương khác. Không chỉ tạo ra số lượng việc làm lớn, doanh nghiệp cũng rất quan tâm chăm lo đến đội ngũ người lao động. Nói như ông Đặng Trần Thái - Giám đốc Công ty TNHH Anam Electronics Việt Nam (KCN Đồng Văn II): Dây chuyền thiết bị sản xuất đầu tư lắp đặt rồi mà không có lao động thì sản xuất kinh doanh không thực hiện được kế hoạch đề ra. Các đơn hàng đã ký kết cũng khó mà thực hiện được. Không có đủ lao động trong lúc này doanh nghiệp đã khó lại càng khó.

Công ty TNHH Anam Electronics Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc, được thành lập tháng 9/2013, có tổng vốn đầu tư là 31 triệu USD. Công ty chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2014, đến nay đang có hơn 600 lao động làm việc. Bảo đảm hoạt động của các dây chuyền sản xuất, năm 2015 công ty cần tuyển dụng thêm 800 lao động. Số lượng tuyển dụng được phân theo các tháng: Tháng 6 tuyển 200 người, tháng 7 tuyển 100 người, tháng 8 tuyển 150 người, tháng 9 tuyển 50 người, tháng 10 tuyển 150 người, tháng 11 tuyển 150. Ngoài ra, công ty cần tuyển thêm 30 lao động kỹ thuật (nam, nữ) tốt nghiệp đại học, cao đẳng chuyên ngành điện tử, cơ khí. Sản phẩm chủ yếu của nhà máy bao gồm các thiết bị điện tử âm thanh như: Âm ly, đầu thu - phát kỹ thuật số… và chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng của khách hàng Nhật Bản (khoảng 80%). Với công suất 03 triệu sản phẩm/năm, quy mô sử dụng lao động của công ty dự kiến lên đến 1.500 người. Thiếu lao động đã làm cho kế hoạch sản xuất gặp nhiều khó khăn. Theo kế hoạch bắt đầu từ tháng 6 sẽ tuyển thêm lao động để mở rộng sản xuất nhưng do thiếu lao động công ty chỉ sản xuất được hơn 50% kế hoạch đề ra. Để có đủ lượng lao động cần thiết, Công ty TNHH Anam Electronics Việt Nam đang tập trung xây dựng chính sách đãi ngộ người lao động theo hướng tốt nhất, có nhiều khoản trợ cấp cho lao động nữ.

Không riêng ở Công ty TNHH Anam Electronics Việt Nam mới đi vào hoạt động đã gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động mà tại một số công ty có nhu cầu tuyển dụng lao động để mở rộng dây chuyền hay tăng ca sản xuất cũng gặp tình trạng tương tự. Tại Công ty TNHH Yokowo Việt Nam - công ty có 100% vốn đầu tư của Nhật Bản, chuyên sản xuất dây dẫn, ăng ten lắp trên xe ô tô. Do nhu cầu mở rộng sản xuất, công ty liên tục tuyển công nhân làm các công việc: Quản lý việc nhập, xuất hàng; làm việc trực tiếp tại dây chuyền; kiểm tra, đóng gói các sản phẩm với mức thu nhập cao nhất là 05 triệu đồng/người/tháng. Công ty thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Hiện công ty đang cần tuyển thêm 400 lao động, thế nhưng trong tháng 6/2015 công ty cũng mới chỉ tuyển được hơn 60 lao động.

Thực tế cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp ở trong và ngoài khu công nghiệp là rất lớn. Vì vậy, các cấp, ngành chức năng của tỉnh cần tích cực, chủ động hơn nữa trong việc điều tiết “cung - cầu” lao động, đáp ứng đủ nguồn lao động cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh./.