Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bảo đảm vốn cho phát triển kinh tế

Chiến lược - Quy hoạch - Kế hoạch Chiến lược, định hướng phát triển  
Bảo đảm vốn cho phát triển kinh tế
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh luôn nêu cao vai trò quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng, bảo đảm hoạt động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện mở rộng tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp

Có thể nói, 5 năm thực hiện nhiệm vụ phát triển theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra thì có đến 2/3 quãng thời gian sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp rơi vào thế khó. Nắm bắt thực tế này, hằng năm ngành ngân hàng đều xây dựng kế hoạch chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Cụ thể là tích cực thực hiện các biện pháp chia sẻ khó khăn với khách hàng, nhất là đối với khách hàng doanh nghiệp như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay (kể cả các khoản vay cũ) và tập trung vốn cho vay đối với một số lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của chính phủ (cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp phụ trợ...).

Riêng năm 2014, để triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã phối hợp với một số sở, ban, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiến hành khảo sát 126 doanh nghiệp và đề nghị hỗ trợ cung cấp thông tin về các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn ngân hàng, từ đó chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp cận, xem xét, thẩm định đối với các doanh nghiệp này để có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Kết quả, hết năm 2014, dư nợ cho vay doanh nghiệp đạt 6.177 tỷ đồng, chiếm 50,16% tổng dư nợ, bình quân tăng 15,89 %/năm. Trong đó, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 3.455 tỷ đồng, bình quân hằng năm tăng 13,45%.

Riêng đối với nhóm doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp vật liệu xây dựng (sản xuất xi măng, khai thác chế biến đá...), kinh doanh vận tải, thời gian qua, do chịu tác động của thị trường bất động sản đóng băng nên hoạt động sản xuất kinh doanh bị thu hẹp, từ đó ảnh hưởng đến quy mô đầu tư tín dụng của ngành đối với nhóm doanh nghiệp này. Hết năm 2014, dư nợ cho vay thuộc khối doanh nghiệp này đạt mức 4.805 tỷ đồng, chiếm 39,02% tổng dư nợ; trong đó, dư nợ cho vay sản xuất xi măng đạt 1.581 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 32,9%. Dự kiến năm 2015, dư nợ ngành công nghiệp vật liệu xây dựng đạt khoảng 6.000 tỷ đồng. Ông Lê Tuấn Tiến - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Hợp Tiến cho biết: Do khó khăn chung nên thời gian qua việc thanh quyết toán của đa số các công trình xây dựng thường chậm hơn so với dự kiến. Điều này gây khó khăn nhất định cho doanh nghiệp nhưng hiện nay ngân hàng đã thực sự cởi mở hơn đối với doanh nghiệp, nên khó khăn về vốn đã từng bước được tháo gỡ.

Không chỉ quan tâm cho vay vốn đối với các doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực, các tổ chức tín dụng còn dành một phần nguồn vốn để hỗ trợ phát triển các ngành nghề nông thôn, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án phát triển làng nghề theo chỉ đạo của UBND tỉnh, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nông dân ở khu vực nông thôn. Đến năm 2014, tổng doanh số cho vay phát triển các ngành nghề nông thôn đạt 4.528 tỷ đồng, với mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt 43,6% năm.

Chất lượng dịch vụ ngân hàng được nâng cao

Đến nay, hệ thống tổ chức tín dụng trên địa bàn gồm có 14 chi nhánh ngân hàng và 9 quỹ tín dụng, tăng 35,5% so với năm 2010. Cùng với sự phát triển mạng lưới hoạt động, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng ngày càng đa dạng và được ứng dụng công nghệ hiện đại đem lại nhiều tiện ích, thuận lợi cho khách hàng khi đến giao dịch tại ngân hàng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mặc dù mạng lưới hoạt động ngày càng tăng (bình quân hằng năm thành lập mới từ 1- 2 chi nhánh ngân hàng), song các tổ chức tín dụng trên địa bàn luôn thực hiện nghiêm túc các quy định có liên quan đến lãi suất kinh doanh, góp phần duy trì sự ổn định của thị trường và giảm dần mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tiếp cận nguồn vốn tín dụng một cách thuận lợi. Từ năm 2011 đến nay, ngành ngân hàng đã 9 lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động từ 14%/năm xuống còn 5,5%/năm và 7 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên từ 17%/năm xuống mức 7%/năm hiện nay. Đặc biệt, các mức lãi suất cho vay theo thỏa thuận không nằm trong đối tượng ưu tiên cũng được điều chỉnh giảm. Đến cuối năm 2014, tỷ trọng dư nợ của các khoản vay có lãi suất trên 13% chỉ còn 1,55%, giảm so với mức 3,46% vào cuối năm 2013 và mức 79,31% vào cuối năm 2011; chỉ tiêu nợ xấu luôn ở mức dưới 1% tổng dư nợ. Riêng năm 2014, nợ xấu chỉ chiếm 0,76% tổng dư nợ.

Tuy hoạt động đã cơ bản đạt được các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra, nhất là tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt ở mức khá nhưng quy mô đầu tư còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế của tỉnh. Để khắc phục hạn chế này, những năm tới ngành ngân hàng tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối để duy trì sự ổn định, an toàn, hiệu quả trong toàn hệ thống, góp phần thực hiện tốt định hướng điều hành chính sách tiền tệ của Nhà nước; đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; tập trung đầu tư tín dụng vào các ngành, lĩnh vực then chốt theo định hướng phát triển kinh tế của tỉnh./.